- Bộ trưởng TT&TT lưu ý, y tế liên quan đến sinh mệnh con người, do đó đội ngũ phóng viên, cơ quan truyền thông phải có am hiểu, có đạo đức, làm báo phải sạch.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân sáng nay, Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, đây là hội nghị hết sức quan trọng.

{keywords}
Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông giáo dục sức khoẻ chính là một trong những giải pháp chủ yếu của chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Tháng 10/2014, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã ký kết chương trình phối hợp truyền thông giai đoạn 2014-2020, tạo khung pháp lý để các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của 2 Bộ.

Trên cơ sở đó đẩy mạnh cung cấp thông tin liên quan đến ngành y tế để định hướng kịp thời, tăng thời lượng, tăng chất lượng nội dung tuyên truyền, giúp nâng cao nhận thức cho nhân dân về lối sống, có kiến thức cơ bản phòng chống dịch bệnh.

"Y tế là lĩnh vực lớn, liên quan đến sinh mệnh con người, đòi hỏi đội ngũ phóng viên, cơ quan truyền thông phải có am hiểu và có kĩ năng thông tin phù hợp, phải có đạo đức và có khả năng đánh giá tác động thông tin, tránh gây hiểu lầm, tạo dư luận không tốt, thậm chí gây kích động”, Bộ trưởng lưu ý.

Ông cũng yêu cầu báo chí cần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, tuyên truyền y tế kịp thời nhưng phải chính xác, đặc biệt những vấn đề ảnh hưởng lớn, trên diện rộng liên quan trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.

“Như Zika vừa rồi tuyên truyền quá mức làm người dân quá lo ngại. Độ nguy hiểm của Zika không trầm trọng như chúng ta đã tuyên truyền”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Người đứng đầu ngành TT&TT kỳ vọng, sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 Bộ về công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân sẽ luôn được duy trì, có những bước phát triển mới và ngày càng đi vào chiều sâu.

“Đề nghị cơ quan chức năng của Bộ TT&TT phối hợp với Bộ Y tế chặt chẽ hơn nữa trong thực hiện kí kết giữa 2 Bộ, có sơ kết, tổng kết hàng năm”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Đề nghị xây mô hình mẫu về truyền thông

Đồng chủ trì hội thảo, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ, ngành y là ngành nhạy cảm, động chạm đến sức khoẻ tính mạng, luôn có những sự cố rình rập nên Bộ luôn đề cao vai trò của thông tin truyền thông, xác định truyền thông phải đi trước một bước.

Bộ trưởng đánh giá, so với 5 năm trước, tư duy, các ứng xử, phối hợp với truyền thông đã khác hẳn, đặc biệt trong thời điểm bệnh viện quá tải trầm trọng, thái độ giao tiếp của cán bộ làm cho người dân khó chấp nhận, dịch bệnh, sự cố y khoa dồn dập xảy ra.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế mong muốn sẽ có mô hình mẫu về truyền thông y tế

“Hội nghị này mang lại những hiệu quả rất to lớn với ngành y tế. Truyền thông vừa qua đã giúp người dân nhận thức được cách phòng, chữa bệnh, giúp cộng đồng, đối tác hiểu được ngành y”, Bộ trưởng nói.

Bà dẫn chứng, chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ y tế là chủ trương lớn của Đảng, QH, đưa giá dịch vụ về giá trị thật sau 17 năm, giúp nâng cao chất lượng, người dân không phải chi trả thêm, tuy nhiên dư luận lại cho rằng làm phương hại đến người dân, ảnh hưởng đến người nghèo.

Hay như việc tham gia BHYT, rất nhiều người quan niệm chỉ khi có bệnh mới mua, trong khi ở nước ngoài, mọi người đều phải mua BHYT. Nhưng nhờ truyền thông đồng hành, người dân đã hiểu rõ.

“Bản thân cá nhân tôi đã đụng chạm, đã làm việc, học tập, rút kinh nghiệm và tạo nên kết quả cũng là nhờ truyền thông”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Bà chia sẻ mong muốn Bộ TT&TT sẽ thẩm định, xây dựng mô hình mẫu về vai trò của thông tin truyền thông với sự phát triển của ngành y, đặc biệt với sự nghiệp chăm sóc, sức khoẻ con người.

Bộ Y tế sẽ rút kinh nghiệm

Nhiều tham luận đã chỉ rõ, những năm gần đây, Bộ Y tế đã có những thay đổi lớn về truyền thông, đã cởi mở, chủ động cung cấp thông tin với báo chí hơn, tuy nhiên trong nhiều vụ việc, vẫn còn để xảy ra “khủng hoảng” do sự chậm trễ trong xử lý thông tin, thông tin chậm một bước so với mạng xã hội như vụ dịch sởi năm 2014, vụ 3 trẻ tử vong tại Quảng Trị do Quinvaxem và gần đây là vụ nước mắm nhiễm arsen.

{keywords}
Tổng biên tập VietNamNet trình bày tham luận tại hội nghị

Tổng biên tập VietNamNet Phạm Anh Tuấn cho rằng, chính việc chậm trễ thông tin vô hình trung tạo hiệu ứng ngược, nhiễu loạn thông tin gây mất niềm tin trong xã hội, dễ khiến người dân có những phản ứng tiêu cực khi có tai biến y khoa xảy ra.

Dẫn lại câu chuyện nước mắm, ông Tuấn nhìn nhận báo chí cần rút kinh nghiệm sâu sắc, đăng tải khi chưa có kiểm chứng thông tin đầy đủ, tuy nhiên Bộ Y tế cũng đã phản ứng không kịp thời trong việc trấn an dư luận, bảo vệ hàng Việt, chậm trễ phân tích đúng sai xem arsen tổng là gì, arsen vô cơ toàn phần, hữu cơ là gì...

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ sẽ tiếp thu, khắc phục và chủ động cung cấp thông tin một cách minh bạch, tạo điều kiện cho các cơ quan truyền thông có được thông tin sớm, chính xác, trung thực.

“Đề nghị các cục, vụ Bộ Y tế lấy tài liệu có các bài tham luận này về đọc”, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo.

Tuy nhiên người đứng đầu ngành Y tế chia sẻ, có những thông tin không thể cung cấp ngay được.

“Như vụ nước mắm, Cục An toàn thực phẩm cung cấp rất nhiều thông tin nhưng việc xem xét tuyên bố của Vinastas đúng hay sai thì phải xét nghiệm. Xét nghiệm kĩ thì cần thời gian, phải lấy ngẫu nhiên nhiều mẫu tại nhiều địa phương”, Bộ trưởng Tiến chia sẻ.

Trong quá trình xét nghiệm, Viện Kiểm nghiệm tại Nha Trang chưa phân tích được arsen vô cơ nên phải gửi mẫu ra Trung ương.

“Có rất nhiều tình tiết phức tạp. Nhiều người bảo tại sao Bộ Y tế không lên tiếng, nhưng nếu nói không khách quan, không trung thực thì sẽ bị hỏi đứng đằng sau đó có mục đích gì”, Bộ trưởng Y tế giãi bày.

Hay như vụ chất lượng cá tại 4 tỉnh miền Trung sau vụ Formosa xả thải, Bộ Y tế đã phải triệu tập toàn bộ các viện kiểm nghiệm lại để họp, chắc chắn mới công bố.

“Nói biển đã an toàn nhưng cá, thực phẩm đã an toàn hay chưa, hay nhiễm ở mức độ nào thì cần phải có thời gian để xét nghiệm”, bà Tiến giải thích.

Bộ trưởng Y tế thừa nhận, trong những vụ việc vừa qua, nếu có nghệ thuật báo chí sẽ giải quyết nhanh hơn. Tuy nhiên do xuất phát điểm đào tạo chuyên môn nên để nhạy bén phải có thực tiễn.

Do đó trước mắt, Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa các kênh thông tin, ngoài fanpage Bộ trưởng, facebook cá nhân, cần phải đẩy mạnh thông trên trên Zalo, các đài địa phương lớn như Vĩnh Long, Bình Dương...

Tại hội nghị, Bộ trưởng TT&TT lưu ý các nhà báo phải làm báo sạch, làm báo phải có lương tâm. Làm báo phải đặt tâm lên trên, không thể làm báo bất lương.

“Khi mình xưng danh nhà báo, bị nhiều người nhìn với ánh mắt không dễ chịu chút nào, làng báo hầu hết là tốt, nhưng không ít người bẻ cong ngòi bút, dùng ngòi bút làm việc không đúng”, ông Tuấn tâm tư.

Thúy Hạnh