- Thủ tướng chốt phương án dành 450 tỉ đồng hỗ trợ người dân mua BHYT đồng thời yêu cầu đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của các địa phương.

Tăng hỗ trợ nhiều đối tượng

Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc về BHYT sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là lần đầu tiên Chính phủ đi đầu trong việc thực hiện vượt mức chỉ tiêu QH giao.

Cụ thể, QH giao mục tiêu đến 2020 đạt 80% tỉ lệ người dân tham gia BHYT, tuy nhiên Chính phủ đã mạnh dạn đề xuất tăng lên trên 90%.

"Đây là quyết tâm chính trị, 63 Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh phải làm việc này vì dân. Nếu làm được, đây sẽ là thắng lợi rất lớn trong thực hiện trục an sinh xã hội", Thủ tướng nhận định.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nâng mức hỗ trợ mua BHYT với nhiều nhóm đối tượng. Ảnh: VGP

Thủ tướng đánh giá: Nhiều địa phương chưa ý thức được vai trò, trách nhiệm trong việc nâng tỉ lệ tham gia BHYT, công tác tuyên truyền, chỉ đạo chưa sát; Dịch vụ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT chưa được cải thiện nhiều, chưa đảm bảo quyền lợi người có thẻ; Công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn rườm rà khiến người bệnh không yên tâm; Giá dịch vụ chưa tính đúng, tính đủ nên chi tiêu của người dân cho BHYT vẫn còn cao, làm giảm tính hấp dẫn của thẻ BHYT...

Để thực hiện mục tiêu trên 90% người dân tham gia BHYT trong năm 2020 và đạt 78% trong năm nay, Thủ tướng chốt phương án từ nay đến cuối năm, dành 450 tỉ đồng (quỹ kết dư trung ương 250 tỉ, địa phương 200 tỉ) hỗ trợ các nhóm đối tượng mua BHYT. 

Từ 2017, địa phương phải bố trí ngân sách, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho những nhóm đối tượng này.

Cụ thể: Nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT hộ cận nghèo từ 70% lên 100%; Hỗ trợ nhóm hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, học sinh, sinh viên thuộc các gia đình đông con, gặp khó khăn kinh tế tối thiểu thêm 20%, từ 30% lên 50%...

Đồng thời Thủ tướng yêu cầu đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội hàng năm, 5 năm của các địa phương. UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, không phân biệt bệnh nhân có thẻ BHYT, cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện tối đa cho người dân tham gia BHYT.

"Có thẻ BHYT thì tiến tới phải giảm chi từ tiền túi người dân. Muốn thế phải tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các bệnh viện, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí, truyền thông giám sát", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ GD-ĐT xây dựng kế hoạch đến năm 2017, 100% học sinh, sinh viên phải tham gia BHYT. Với lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, mốc 100% cán bộ chiến sĩ, quân nhân tham gia lùi đến 2018.

Không lẫn lộn giữa Bộ Y tế và BHXH

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cung cấp con số "giật mình" khi tỉ lệ nhóm đối tượng tự nguyện (không được hỗ trợ) mua BHYT ở mức rất thấp, chỉ khoảng 10%. Tuy nhiên Phó Thủ tướng tin tưởng, khi có sự vào cuộc đồng bộ, mục tiêu bao phủ BHYT trên 90% đến năm 2020 sẽ thực hiện được.

"Chỉ tiêu ban đầu của QH là cố gắng đến 2015 đạt 75% và 2020 đạt 80%. Năm 2014, khi kiểm điểm lại, nhiều ý kiến cho rằng không thể đạt 75%, nhưng sau khi giao nhiệm vụ cho từng địa phương giờ đã lên 76%", Phó Thủ tướng dẫn chứng.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng cũng đề nghị rạch ròi trách nhiệm giữa BHXH và Bộ Y tế.

"Ở Việt Nam cái gì cũng phải có phối hợp nhưng phải xác định người chịu trách nhiệm chính. Ở đây, trách nhiệm mở rộng tỉ lệ tham gia BHYT, bán thẻ như thế nào, quản lý như nào là trách nhiệm của BHXH - đơn vị có đầy đủ quyền hạn theo quy định pháp luật. Còn trách nhiệm chỉ đạo để các bệnh viện khám bệnh, chữa bệnh tốt hơn thuộc Bộ Y tế", ông nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, lâu nay giữa 2 cơ quan này có sự lẫn lộn, khi động đến BHYT đều phải hỏi Bộ Y tế. Khi toàn quyền, BHXH phải coi người mua thẻ BHYT là khách hàng, phải dùng cơ chế như công nghiệp, mở hết các đại lý.

Đồng tình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "BHXH Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT".

Ngoài tổ chức phát triển đổi tượng, BHXH có trách nhiệm bảo đảm kết nối liên thông, thanh toán trực tuyến BHYT; Tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT và kết nối với Bộ Y tế để thực hiện nghiêm việc kết nối liên thông hệ thống dữ liệu giám sát trước 30/6 tới.

Thúy Hạnh