- Hàng ngàn đàn ong ngoại lai đang được nuôi ở xã Minh Hòa, Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, Phú Thọ bị nghi hút nhựa khiến những rừng keo 3 năm tuổi bị kiệt ngọn, ruỗng thân.

Hàng chục hộ dân 2 xã này đã có đơn tập thể kiến nghị chính quyền vào cuộc tìm nguyên nhân.

Bà Hoàng Thị Kim Thoa (xã Minh Hòa), có rừng keo 4 ha cho biết, đây là lần đầu tiên rừng keo bị hiện tượng này. Cây bị nứt vỏ, nhựa tứa ra đóng thành cục ở trên thân, đầu cành bị héo rũ, lá xơ xác, mất hết diệp lục.

{keywords}
Bà Hoàng Thị Kim Thoa

“Hơn 20 năm qua, rừng keo của bà con phát triển xanh tốt, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng cây tứa nhựa, héo lá như thế này”, bà Thoa than thở.

Khoảng cuối tháng 6/2016, rừng keo 3-4 năm tuổi của gia đình bà Thoa bỗng dưng héo lá, xơ xác. Thời gian này có nhiều đàn ong ngoại lai (ong Ý) kiếm ăn trong vườn. Nghi rừng keo bị héo úa do ong hút nhựa, gia đình chị Thoa đã kiến nghị ra chính quyền xã.

Xã đã cử cán bộ đi kiểm tra thực tế và triệu tập các hộ có cây, gia đình cho thuê điểm nuôi ong và các chủ ong đến họp, sau đó đã vận động các chủ ong di dời một thời gian để kiểm chứng.

"Sau khi đàn ong được di dời, rừng keo của bà con chúng tôi hồi phục, lá xanh mỡ màng trở lại”, bà Thoa nói.

Sang đầu năm 2017, hàng ngàn đàn ong ngoại lại tiếp tục được đưa về nuôi tại xã khiến những khu rừng keo lại tiếp tục phát bệnh cũ.

Rừng keo của các gia đình các ông bà Hà Văn Hiền, Phùng Thị Hương, Ngọc Thị Toán, Hà Văn Sáng, Hoàng Văn Lễ, Đinh Thị Luyên, Bùi Thị Tâm, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Văn Ký… cũng rơi vào tình trạng tương tự.

{keywords}

Một thân cây keo nghi bị ong chích

“Chúng tôi đã kiểm tra, ghi ngày tháng ong đến, ong đi để theo dõi. Điều đặc biệt là ong dường như chỉ tấn công những rừng keo 3 - 4 năm tuổi. Hiện tượng héo lá rõ nhất ở những rừng keo độ tuổi này”, bà Thoa cho biết thêm.

Xã đau đầu

Chủ tịch xã Minh Hòa Đinh Văn Sơn cho biết: Xã đã cho người đi kiểm tra, ghi biên bản hiện trạng sau đó tổ chức cuộc họp giữa 3 bên: Người trồng rừng, người cho thuê đất đặt ong và người nuôi ong.

“Đồng thời, yêu cầu các hộ nuôi ong cam kết, nếu đàn ong ảnh hưởng tới cây trồng, vật nuôi của địa phương thì họ sẽ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ đền bù thiệt hại cho bà con”, Chủ tịch xã Minh Hòa nói.Theo ông Sơn, thời điểm hiện tại cả xã có 23.000 đàn ong ngoại lai đang nuôi thả.

{keywords}
Xã Minh Hòa có hơn 23.000 đàn ong ngoại lai đang được nuôi thả

“Chúng tôi cũng rất đau đầu về chuyện này. Bà con trồng keo là làm kinh tế. Các hộ dân từ nơi khác mang ong đến nuôi cũng là mưu sinh. Đàn ong nuôi lấy mật cũng đã được Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), Hiệp hội Nuôi ong cấp chứng chỉ nên chúng tôi không thể đuổi”, ông Sơn phân trần.

Theo lãnh đạo xã Minh Hòa, đàn ong ngoại lai là giống ong nước ngoài, kích thước to gấp 3 lần ong thường. Chúng rất phàm ăn, mùa mưa không phải mùa đơm hoa kết trái của cây cối nên chúng đói ăn, hút cả nhựa cây để làm mật.

Nhiều vùng miền khác, ong ngoại lai tấn công giết chết cả ong nhà để cạnh tranh nguồn thức ăn. Ong nhà, thời gian cho quay mật sau mỗi 6-8 tháng, nhưng ong ngoại lai chỉ 1 tháng.

“Hiệu quả kinh tế cao nên năm nay nhiều người dân trong xã cũng mua giống ong, học cách tự nuôi thả chứ không cho thuê đất đặt lồng ong nữa”, Phó chủ tịch xã Minh Hòa Đinh Văn Chờ cho hay.

Sẽ đuổi ong ra khỏi rừng

Về “cuộc chiến” giữa người dân giữ rừng keo và đàn ong ngoại lai, lãnh đạo xã Minh Hòa cho biết: Ngày 27/6, Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ đã lập đoàn kiểm tra, xác minh nguyên nhân gây thiệt hại rừng keo đối với hơn 10 hộ dân.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại các khu vực rừng keo tai tượng của các hộ dân Đinh Thị Toán, Mai Văn Sơn, Hoàng Thị Kim Thoa, tỷ lệ bệnh từ 70-100%, với hiện tượng biểu hiện ra bên ngoài: Nhiễm dịch, lá chuyển màu vàng không còn màu xanh đậm, lá già bắt đầu rụng, tán lá thưa, mọc nhiều chồi đỉnh.

Đa số cây được kiểm tra có vết loét, vị trí loét bị chảy nhựa sùi bọt trắng, gọt phần vỏ thấy xuất hiện nhiều lỗ mọt đục màu nâu đen; cắt ngang thân cây thấy phần vỏ và lõi gỗ có màu thâm đen.

Bà Lê Thị Hà (Trưởng phòng chăn nuôi – Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ), Bùi Thị Thêm, phó Phòng nông nghiệp huyện Yên Lập cho hay: Bước đầu xác định nguyên nhân gây bệnh trên các lô rừng trồng là do nấm gây ra. Nấm bệnh tồn dư trong đất, nước thường xâm nhập vào mùa mưa, qua vết thương cơ giới do quá trình tỉa cành hoặc do sâu mọt đục thân.

{keywords}

Chủ tịch xã Đinh Văn Sơn, phó Chủ tịch Đinh Văn Chờ (xã Minh Hòa, huyện Yên Lập)

Tuy nhiên, không đồng ý với kết luận này, các chủ rừng keo bị héo lá, nứt thân vẫn kiên quyết yêu cầu các chủ ong di dời ong ngoại lai ra khỏi khu vực.

Chủ tịch xã Minh Hòa Đinh Văn Sơn nói: Đến tháng 8/2017 này, chúng tôi sẽ vận động các hộ nuôi ong di dời đàn ong ra khỏi khu vực rừng keo của bà con một thời gian để chúng tôi theo dõi. Nếu như, sau khi đàn ong đi khỏi mà cây không bị làm sao, chúng tôi sẽ kiến nghị với các cơ quan chức năng và yêu cầu các hộ nuôi ong cam kết đền bù.

“Cả cơ nghiệp của chúng tôi chỉ trông mong vào mấy ha rừng trồng. Họ nuôi ong lấy mật cũng là làm kinh tế, nhưng vì thế mà khiến rừng của chúng tôi chết thì không chấp nhận được” - chị Thoa kiên quyết.

Quá lạ: Nuôi ong cũng phải đóng phí

Quá lạ: Nuôi ong cũng phải đóng phí

Muốn nuôi ong ở xã Kỳ Tây (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), phải trả cho người xin vườn một khoản tiền “cò”, sau đó trả phí cho xã.... Phí chồng phí đang khiến người nuôi ong méo mặt.

Kiên Trung