Bất kỳ ai ghé thăm trang web của chính quyền huyện Bàn An, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đều có thể tìm ra thông tin nhà ở, xe cộ, thu nhập của 14 ứng viên các vị trí công quyền.

Cụ thể, các ứng viên có thu nhập từ 50.000 - 80.000 nhân dân tệ (7.886 - 12.618 USD) hàng năm. Có 11 người sở hữu xe hơi từ Hyundai đến Mazda, 2 trong số này không có nhà riêng.

Ảnh minh họa: AsiaOne

Động thái trên đã được nhiều người tán thành nhưng nó cũng là lời nhắc nhở các chính quyền địa phương khác. Yêu cầu quan chức kê khai tài sản không còn là điều mới mẻ ở Trung Quốc. Hàng chục chính quyền địa phương từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông tới khu tự trị Tân Cương ở phía tây bắc đều có các sáng kiến về kê khai tài sản quan chức, nhưng hầu hết đã không thu hút được sự chú ý của người dân.

Chính quyền thành phố Lưu Dương tỉnh Hồ Nam đã dùng một trang web để công khai tài sản của 75 quan chức trong tháng 9/2009, nhưng các công dân mạng phát hiện các thông tin bị gỡ bỏ ba ngày sau. Cũng từ đó tới nay, không có thông tin kê khai tài sản nào được cung cấp.

Trung Quốc đã coi tham nhũng như kẻ thù chính với công cuộc phát triển kinh tế xã hội. Trong bài phát biểu hồi tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cảnh báo, tham nhũng là một trong những nguy cơ ngày càng lớn mà đảng cầm quyền phải đối mặt.

Các nhà quan sát cho rằng, các thông tin kê khai tài sản của quan chức để người dân có thể giám sát trong thời gian dài sẽ chỉ là điều trống rỗng nếu không được cập nhật. Chính quyền địa phương cần cung cấp những thông tin tài sản của quan chức ít nhất mỗi năm một lần để người dân có thể giám sát bất kỳ thay đổi nào trong thu nhập của quan chức. Hơn thế nữa, thông tin tài sản cần được xem xét kỹ lưỡng để ngăn chặn sự không thành thực từ một số quan chức.

Theo quy định hiện hành, quan chức Trung Quốc cần thông tin tài sản tới cấp cao hơn. Tuy nhiên, nếu công khai cho dân chúng sẽ tạo khả năng giám sát tốt hơn. Người kê khai gian lận cần chịu hình phạt, khi ngày càng có nhiều quan chức “sống sót” qua các kỳ kê khai tài sản hàng năm và chỉ bị phát hiện khi hành vi tham nhũng của họ bị xem xét sau đó.

Gần đây, chỉ những quan chức mới bổ nhiệm phải có bổn phận kê khai tài sản trong khi những quan chức làm việc lâu năm và ở vị trí cao hơn thì được “miễn nhiễm”.

Chuyện buồn Giang Tô

Trong suốt ba năm qua, một số thành phố nhỏ ở Tân Cương, Chiết Giang, Tứ Xuyên và Hồ Nam đã yêu cầu quan chức kê khai tài sản, nhưng không công khai và chỉ làm điều này khi họ được thăng tiến. Tuy nhiên, quận Giả Uông ở Tô Châu đã tiến xa hơn một bước trong năm nay, khi lần đầu tiên yêu cầu toàn bộ quan chức cấp trung kê khai tài sản trước công chúng.

Họ được yêu cầu cung cấp chi tiết về bất động sản sở hữu, thu nhập, các khoản đầu tư, xe cộ, vị trí làm việc của vợ con và các chi tiết sẽ được công khai trên trang web chống tham nhũng của quận.

Tuy nhiên, mọi thứ không đi theo đường thẳng. Quan chức cao cấp, trong đó có quận trưởng hay bí thư quận ủy, không nằm trong danh sách này (theo thời báo Bắc Kinh) và chỉ có 425 quan chức kê khai tài sản. Quan chức duy nhất - phó phụ trách sở tài chính thừa nhận có ba căn nhà, gần 70% quan chức nói chỉ có một căn nhà, 15% nói có hai nhà, còn lại kê khai không có bất động sản.

Điều đáng nói là kê khai thu nhập của một số quan chức vượt quá cấp trên của họ. Và nhiều thông tin đưa lên mạng không đúng sự thật. Một quan chức nói rằng, cấp trên của ông có nhiều nhà và xe nhưng danh sách trên mạng nói chỉ có một nhà, không có xe.

Vị giám đốc ủy ban thanh tra của quận, Trương Cựu Nguyệt thừa nhận nhiều tài sản không được công khai, và thông tin mà các quan chức đưa ra không được kiểm chứng thẩm tra vì ủy ban thiếu nguồn lực để làm việc này.

Nỗ lực cải cách của Giả Uông đã thất bại ngay ở chính cộng đồng địa phương khi hầu hết người dân không biết về nó. Theo Nhật báo Thanh niên Trung Quốc, không có lấy một phản hồi nào trong suốt tám tháng sau đó về bất kỳ một trường hợp quan chức bất minh trong kê khai tài sản. Giáo sư Hồ Vị tại ĐH Giao thông Thượng Hải nói rằng, điều này phản ánh sự mất lòng tin của người dân vào việc quan chức kê khai tài sản.

Ông cho biết, Trung Quốc đang “tê liệt” vì số lượng các quan tham và tin rằng, tham nhũng tồn tại ở chính quyền mọi cấp. "Thậm chí, người dân không quan tâm tới trường hợp quan chức biển thủ công quỹ với số tiền khiêm tốn. Chỉ các trường hợp liên quan tới số tiền lớn mới khiến họ để ý”, ông nói.

Theo ông, yêu cầu kê khai tài sản không được thực thi rộng rãi vì chính quyền trung ương lo ngại, không muốn bức tranh thực tế về tài sản quan chức có thể gây “bất ổn xã hội”.

Ngay cả khi có nhiều nơi theo gương Giả Uông thì hệ thống kê khai tài sản cơ bản vẫn là vô nghĩa trừ khi xã hội dân sự và báo chí có thể được cấp quyền kiểm tra chuyện lạm dụng quyền lực của quan chức.

Thái An tổng hợp