- "Có gì mà trở ngại, e sợ", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói về việc bà đăng ký hiến tạng khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay.

Có ý kiến cho rằng việc Bộ trưởng đăng ký hiến tạng có thể là làm hình ảnh của một chính khách?

Tôi đăng ký hiến tạng năm 2013, khi đó không ai biết. Tôi đăng ký hiến tạng khi đó với mong muốn đẩy nhanh việc hiến ghép tạng. 

Thông tin này chỉ được chia sẻ trong buổi phát động phong trào tối qua. Thực sự trước đó, trong danh sách hiến đã có rất nhiều người dân rồi. Tôi không phải là trường hợp đặc biệt, duy nhất.

Quyết định của bà có vấp phải sự ngăn cản của gia đình?

Người nhà tôi toàn là thầy thuốc nên càng ủng hộ chứ.

Bà đã vượt qua những trở ngại tâm lý, tâm linh? Động cơ nào khiến bà đăng ký hiến tạng ngoài việc hành động với trách nhiệm của một Bộ trưởng Bộ Y tế?

Có gì mà trở ngại, e sợ, mình là người tư duy biện chứng mà như tôi đã nói, theo giáo lý phật giáo hay thiên chúa giáo, việc đó cũng được khuyến khích vì là làm việc thiện, việc nhân.

Tôi xung phong làm Chủ tịch Hội Vận động hiến tạng và được mọi người thống nhất bầu. Ban đầu mong muốn đẩy nhanh phong trào lên thôi. Nhưng đằng sau việc này không chỉ là câu chuyện quản lý nhà nước mà là một người dân bình thường cũng làm như thế.

Chuyện tôi đăng ký hiến tạng là chuyện bình thường của mỗi con người. Khi làm quản lý nhà nước việc đó càng thôi thúc và cần thiết, cần đẩy nhanh, mạnh hơn việc này để có được nguồn tạng hiến ghép cho người bệnh.

Cản trở văn hóa, tâm linh

Liệu có bỏ được rào cản văn hoá, tâm lý, hay đời sống tâm linh trong xã hội ta?

Chúng tôi đã nhờ nhiều sư thầy, nhiều chức sắc tôn giáo như các linh mục, hoà thượng cùng tham gia chương trình vận động để người dân thấy rằng, triết lý của các giáo phái tôn giáo đều khuyến khích con người làm thiện nguyện, gạt bỏ quan điểm lo ngại là người chết mất thây thì không được siêu thoát.

{keywords}
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần thăm bệnh nhân

Trong đạo Phật, các hoà thượng nói càng làm việc nhân đức như hiến tạng thì càng mau được siêu thoát. Người cho đi phần cơ thể mình để cứu người khác sau khi chết, thì chính người chết đó cũng thanh thản, chết một cách có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho xã hội.

Người nhà thay vì chứng kiến toàn bộ thân xác người thân của mình bị chôn vùi hoặc thiêu huỷ thì như nếu giác mạc được hiến sẽ vẫn có thể gặp lại người thân qua ánh mắt của người được ghép giác mạc, vẫn thấy được nhịp đập của con em mình trong lồng ngực người được ghép....

Bộ trưởng sẽ làm gì để phong trào hiến tạng phát triển mạnh hơn?

Chúng tôi có một hội vận động với số lượng thành viên rất lớn, trong đó có bộ phận công tác ở MTTQ, Bộ TT&TT, ban tuyên giáo, các thầy thuốc, các hoà thượng, linh mục ở các giáo phái tôn giáo… đại diện miền Bắc, Nam, Trung, với điểm tiếp cận đăng ký ở cả 3 miền. 

Mỗi nơi có một số điện thoại đường dây nóng nên việc này đã thành phong trào rộng khắp. Cản trở hiện tại là văn hoá cần phải tuyên truyền để người dân hiểu thêm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhu cầu ghép tạng ở các bệnh nhân suy tạng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư, bệnh mắt… rất nhiều. Có hàng trăm nghìn người có nhu cầu được ghép tạng và cũng chỉ có biện pháp đó mới có thể cứu chữa được.

Kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam rất phát triển, làm được hầu hết các ca ghép tạng phức tạp, không thua kém các nước có nền y học phát triển. Nhưng khó khăn lớn nhất là nguồn tạng hiến. Việt Nam chưa có văn hoá cho đi phần thân thể của người chết.

L.T (ghi)