"Có một thứ không bao giờ thay đổi ở tôi, đó là thói quen thích làm những việc khó và không bao giờ biết chán nản hay nao núng ý chí. Trong tôi, có một ngọn lửa thời trai trẻ lúc nào cũng cháy rực" - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. 

Vừa ngồi vào ghế Bộ trưởng, ông Đinh La Thăng đã cuốn dư luận theo mình, lời khen tiếng chê, hy vọng và ngờ vực… Lúc nào cũng nóng bỏng và quyết liệt.

Bắt đầu là những lời tuyên bố mạnh mẽ của ông sau khi Quốc hội chính thức phê chuẩn các thành viên Chính phủ, coi mình là Tư lệnh của ngành và sẽ “chiến đấu” ngay với đủ thứ bệnh trầm kha nhờn thuốc của ngành Giao thông tồn đọng từ nhiều năm, sau đó là hàng loạt chủ trương, quyết định… Từ việc ông cấm cán bộ của ngành Giao thông chơi gôn để tập trung công việc mà có người bảo ông thua ở khía cạnh pháp lý nhưng thắng về đạo lý; tới việc mới đây ông yêu cầu cán bộ ngành GTVT phải đi máy bay giá rẻ để tiết kiệm ngân sách. Người ta chờ xem kết quả hành động của ông có như lời ông tuyên bố, hứa hẹn…

Cuộc trò chuyện của Bộ trưởng Đinh La Thăng với phóng viên Nhân Dân hằng tháng nằm trong khoảng thời gian giữa hai phiên họp của Bộ.

{keywords}

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng

Thưa Bộ trưởng, hẳn là ông chưa quên những tháng năm hừng hực tuổi trẻ của mình ở đơn vị đầu tiên công tác và gắn bó: Công trường thanh niên Cộng sản thủy điện Hòa Bình?

Rất khó quên, nếu ai đã từng trải qua những năm tháng ấy như chúng tôi. Phần lớn tuổi trẻ của tôi và bạn bè để lại cả ở đấy, ở Tổng công ty Sông Đà. Đấy cũng là nơi mà những đứa con của tôi chào đời và trong môi trường sống khắc nghiệt, khó nhọc từ khi lọt lòng. Nhưng chính môi trường sống đầy thử thách ấy, những năm tháng vất vả ấy lại đã tôi luyện cho tôi những phẩm chất mà nếu không có nó, tôi đã khó lòng vượt qua nhiều thử thách sau này.

Có một kỷ niệm khó quên, đó là hôm xảy ra vụ cháy rừng ở khu vực cất giữ lượng thuốc nổ lớn của công trình. Thuốc nổ khi đó rất quý, vì phải vận chuyển từ Liên Xô sang. Vậy mà có nguy cơ cả kho thuốc nổ sẽ mất trắng, đi kèm là một tai họa khủng khiếp có thể giết chết nhiều người, phá hủy nhiều thứ. Không có thời gian cho những phép tính, chúng tôi nhanh chóng đưa ra một quyết định sinh tử: huy động hàng trăm đoàn viên thanh niên, lao qua đám cháy dữ dội, vác hết những thùng thuốc nổ sang vị trí an toàn. Sau lần đó, tôi suy nghĩ rất nhiều về trách nhiệm của mỗi người với xã hội. Phải biết xả thân, đó là phẩm chất quan trọng nhất. Trước bất cứ công việc gì, dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy, cứ vô tư (và cần thêm cả sự dũng cảm) xắn tay áo lên và xông vào, cùng với một tập thể lớn mà mình gắn bó, tin tưởng thì đều có thể giải quyết và đi đến thành công. Bài học này với tôi vô cùng quý giá và hữu ích cho đến tận bây giờ.

Từ cương vị Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đơn vị kinh tế lớn nhất nước, ông qua đảm nhiệm trọng trách Bộ trưởng. Đang là một vị chỉ huy hành động trong một phạm vi hẹp, sang vị trí quản lý nhà nước hành động trong một không gian quyền lực rộng và phức tạp hơn rất nhiều, chắc chắn ông cũng không khỏi ngỡ ngàng?

Giá mà có trường lớp nào dạy người ta làm Bộ trưởng nhỉ? (cười). Trước khi làm Bộ trưởng, tôi đã qua gần chục cương vị công tác, trong những môi trường khác nhau và hầu như đều phải tự rèn luyện, học hỏi để thích ứng với từng vị trí. Có vô số cách để học những điều cần cho công việc nhưng tôi thích nhất là học ngay từ những thất bại.

Sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm, vẫn như những lần chuyển công tác trước, tôi bắt tay làm việc ngay. Bộ trưởng chỉ là chức danh mới, còn lại thì vẫn là tôi, một người thích hành động, thích ngày nào dứt điểm việc của ngày ấy nếu có thể được, thích thể nghiệm để nếu sai thì sửa và rất không thích sự do dự, né tránh trách nhiệm. Tác phong và thói quen này của tôi được tôi luyện khi còn ở Sông Đà, được củng cố theo thời gian và chắc là rất khó thay đổi. Tất nhiên tôi có những điểm tựa quan trọng để đưa ra mọi quyết định. Trước hết trên mình còn có Đảng, có Chính phủ, có Quốc hội với không ít những con người khao khát thay đổi như mình. Tại đó tôi có thể thẳng thắn đề xuất, thẳng thắn tranh luận và tin vào sự chân thành lắng nghe của mọi người. Bên cạnh tôi có một đội ngũ cán bộ, chuyên gia, công nhân rất chuyên nghiệp, lành nghề và yêu công việc vô cùng. Tôi có thể khẳng định đó là tài sản quý giá nhất của ngành giao thông. Tôi cũng thừa hưởng được nhiều thành quả cũng như kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước mình.

Trước khi làm Bộ trưởng, tôi đã qua gần chục cương vị công tác, trong những môi trường khác nhau và hầu như đều phải tự rèn luyện, học hỏi để thích ứng với từng vị trí. Có vô số cách để học những điều cần cho công việc nhưng tôi thích nhất là học ngay từ những thất bại.

Tôi luôn đặt mình vào điểm nóng, vào thử thách và hối thúc, cuốn gọi những người cùng làm việc với mình, cùng tận hiến. Đó là cá tính của tôi, biết thế là nhọc nhằn và vất vả nhưng không thể làm khác được - Bộ trưởng Đinh La Thăng

Có một sự thật là, tôi về Bộ đúng vào giai đoạn khó khăn vô cùng của ngành giao thông, có lúc tưởng rơi vào bế tắc. Thời điểm đó cả nước đang sục sôi quyết tâm tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước. Đó là việc không thể chần chừ, bởi không tái cơ cấu thì khó lòng trụ lại được chứ nói gì đến phát triển tiếp. Có hẳn Nghị quyết 11 của Chính phủ về dừng, giãn, hoãn tiến độ các công trình, trong đó lớn nhất là công trình giao thông vì thiếu vốn. Chỗ nào cũng một điệp khúc không có tiền. Hàng loạt công trình không thể tiếp tục, trong khi hàng loạt công trình mới thì không triển khai nổi.

Có lần tôi về Lai Châu, người dân bức xúc chỉ những công trình giao thông dang dở, bùn lầy, bụi bặm bảo ông Bộ trưởng trả cho dân con đường cũ đi, còn đã làm thì làm cho xong, để chây ì hàng năm như thế cực lắm, không chịu nổi. Đây cũng là giai đoạn tai nạn giao thông có xu hướng tăng lên, hơn 10 nghìn người chết, 30 nghìn người bị thương một năm. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì nóng lên việc ùn tắc. Rồi một số công trình vừa làm xong đã hỏng, đã xuống cấp cục bộ, gây phẫn nộ chính đáng trong xã hội như tuyến đường Sài Gòn - Trung Lương, cầu Thanh Trì, mặt cầu Thăng Long… Trong khi đó hệ thống hạ tầng giao thông cũ kĩ của cả nước không có tiền duy tu bảo dưỡng, mỗi ngày thêm thê thảm. Ngay cả việc đấu thầu, tổ chức thi công… cũng rất nhiều vấn đề cần xốc lại, nắn vào nề nếp.

Chúng tôi đã bắt đầu trên cả đống vấn đề hóc búa như vậy. Tôi đã quen với việc phải vượt qua thử thách. Chỉ cần cho tôi thời gian. Hồi đầu nhiều người quá sốt ruột, không kiềm chế được và có thể do họ không còn niềm tin, nên có không ít sự hiểu sai. Nhưng cuối cùng, chính dư luận kiểm chứng và phản hồi là trước đây nói đến công trình giao thông mà hoàn thành đúng tiến độ hay vượt tiến độ là chuyện gần như không tưởng! Giờ ngành giao thông đã xóa đi cái nghiệt lệ tai tiếng đó. Thành công đã được chính dư luận đánh giá và ghi nhận khách quan. Điều đó nằm trong quyết tâm rất lớn của chúng tôi, ngay từ khi tôi về nhận nhiệm vụ và phát hiện ra điểm yếu cố hữu là thói quen đầu tư theo kiểu bôi ra mỗi chỗ một tí cho có thành tích và có thể còn vì những chuyện gì đó nữa…

Ông bắt đầu thay đổi từ khâu nào và từ việc gì?

Bắt đầu từ việc định hướng lại các mục tiêu trọng điểm để tập trung nguồn lực. Sau đó chúng tôi kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, thay thế ban quản lý có vấn đề, rà soát lại hệ thống tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, phân kỳ đầu tư, xác định lại thiết kế, quy mô cho phù hợp, khắc phục bệnh phô trương, bệnh thành tích... Mình còn nghèo nhưng thích cái gì cũng nhất: cầu dài nhất, cung đường dài nhất, tòa nhà cao nhất, đường hiện đại nhất… trong khi nguồn lực của mình có hạn, nhu cầu chưa đến mức độ đó. Cái hội chứng “nhất” đó cần phải được chữa trị. Ai chả thích được khen, nhưng trên hết là nguồn lực của đất nước. Phải tính toán sao cho phù hợp khả năng kinh tế của từng thời kỳ. Cầu chưa đến mức cần dây văng thì cứ bê-tông cốt thép cho tốt đã. Dây văng thì đẹp thật nhưng mà đắt, nguồn lực đất nước mình chưa cho phép.

Ông đi nước ngoài nhiều, chắc có sự so sánh đối chiếu. Có vẻ như các công trình giao thông của ta chưa chú ý lắm đến điểm nhấn văn hóa, cụ thể mình mới chỉ tập trung về mặt kỹ thuật, cốt có cái mà đi, rồi sau này nhìn lại mới giật mình vì nhiều thứ rất chướng mắt… Vậy khi duyệt các phương án thiết kế, ông có chú ý khía cạnh thẩm mỹ của công trình giao thông?

Một công trình đẹp theo đúng yêu cầu thẩm mỹ là ước muốn. Nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm chứ. Tôi là người trưởng thành từ một công trường xây dựng khổng lồ về quy mô và độ dài tồn tại, tôi hiểu cái đẹp quan trọng thế nào trong một công trình dân dụng. Cũng chỉ vì cân nhắc đến yếu tố thẩm mỹ mà mãi mới triển khai được hệ thống cầu vượt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Lý tưởng nhất là một công trình giao thông vừa đẹp, vừa bền, hài hòa với thiên nhiên mà lại có bản sắc dân tộc. Tôi rất thích duyệt những dự án như vậy và mong muốn mỗi công trình giao thông là một kiệt tác kiến trúc, có thể lưu giữ và sản sinh nhiều giá trị thẩm mỹ trong quá trình tồn tại. Tuy thế, tôi vẫn cứ phải ký duyệt những công trình đặt nặng về giá trị sử dụng mà phải tạm thời hy sinh yếu tố văn hóa.

Một bộ phận dư luận mỗi khi nhắc đến ông là kèm vào đó tên một hay vài loại phí, ông có thấy chạnh lòng không?

Tôi chỉ có thể nói mọi đề xuất của tôi về vấn đề phí đều dựa trên những cơ sở pháp lý rõ ràng, bảo đảm sự công bằng, đều nhằm mục tiêu phục vụ tốt nhất việc đi lại của người dân cũng như mong muốn sự phát triển bền vững cho đất nước. Các quốc gia có hệ thống giao thông hiện đại đều phải huy động nguồn lực từ toàn xã hội và họ làm như vậy trước chúng ta cả nửa thế kỷ. Giờ mình mới làm là rất muộn. Tôi tin rằng dần dần người dân trong cả nước cũng sẽ hiểu là ngoài cách đó ra, không có phép màu nào khác để có một hạ tầng giao thông hiện đại và hơn hết là tất cả đều vì lợi ích của họ, con cháu họ.

{keywords}

Cầu vượt tại nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà (Hà Nội)

Thực tiễn chứng tỏ đã có những chuyển động rất tốt trong ngành giao thông mấy năm qua nhưng có vẻ như không phải ai cũng biết, ví dụ như cách thức mà ngành thực hiện để chống tiêu cực qua đấu thầu, qua nghiệm thu công trình, qua việc nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư. Những bước chuyển này đã góp phần làm giảm đi nhiều tai tiếng tồn tại từ trước đó, đã tưởng là căn bệnh vô phương cứu chữa thì nay đã có thuốc, hay nói cách khác, đã có những phác đồ điều trị tốt hơn?

Tôi và anh em thì chỉ đơn giản nhận thức thật rõ trách nhiệm của mình trước đồng tiền thuế của nhân dân, trách nhiệm trước Chính phủ về chất lượng công trình trong ngành mình. Để làm được điều đó, cần phải có những giải pháp không khoan nhượng nhằm loại bỏ, hoặc hạn chế đến mức tối đa những tiêu cực trong việc đấu thầu, thi công, giám sát, nghiệm thu…là những lĩnh vực rất dễ sơ hở để tiêu cực lẻn vào. Tôi đưa ra quy định dứt khoát: Không cá nhân lãnh đạo nào, từ Bộ trưởng, được tự ý quyết định chọn nhà thầu nào, hoặc có ý kiến can thiệp để nhà thầu nào đó lợi dụng gây áp lực với Ban quản lý. Không ai được đi ngược, thậm chí đi chệch nguyên tắc này. Mọi quyết định phải thông qua ý kiến tập thể. Các cơ quan tham mưu của Bộ có trách nhiệm sàng lọc ngay chất lượng và năng lực các nhà thầu trong cả nước (có thể qua xem xét hồ sơ và thực tiễn thi công, tham chiếu qua kết quả thanh tra, kiểm tra đột xuất và thường xuyên, lấy thêm ý kiến của các cơ quan chức năng, của địa phương…) để ra được một danh sách nhà thầu cho ngành.

Danh sách này lại được sàng lọc, săm soi kỹ lưỡng lần nữa trước khi sắp xếp theo thứ hạng: anh nào mạnh lĩnh vực nào, anh nào quen lĩnh vực nào, anh nào có khả năng thi công ở mức công trình nào, tất cả đều công khai, minh bạch. Tôi muốn nhấn mạnh hai chữ minh bạch, vì nếu không minh bạch thì mọi cố gắng sắp xếp sẽ giống như đánh bùn sang ao! Với những công trình trọng điểm, việc chọn hay loại bỏ nhà thầu càng phải cẩn trọng gấp bội và chúng tôi có quy trình chặt chẽ cho việc đó.

Chúng tôi siết chặt trách nhiệm của các Ban quản lý dự án, nâng cao năng lực quản lý và điều hành ở các ban này, dùng cơ chế để hạn chế tối đa sự bắt tay đi đêm giữa nhà thầu và các ban quản lý, đưa ra những quy định, những tiêu chí, những điều cấm làm, cả cơ chế thưởng phạt kết hợp với việc thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc những hạn chế, yếu kém, tiêu cực. Những việc lớn, nhạy cảm, đích thân tôi trực tiếp đến, các Thứ trưởng trực tiếp đến, nghe tới nơi, nhìn thấy tận mắt để có những quyết định chính xác.

Dư luận cũng nói vui rằng hình như có hai ông Thăng, một ông thời mới làm Bộ trưởng có những câu nói, quyết định, phát biểu gây sóng gió trong dư luận, rồi vài năm gần đây có một ông Thăng âm thầm làm việc, toàn những việc to lớn, rất được lòng dân và hiệu lực của những chỉ đạo là rất rõ ràng…

Thực ra vẫn luôn chỉ là một ông Thăng thôi (cười). Lúc mới bắt tay vào việc, thấy ngợp lên sự bề bộn, việc nào cũng dang dở trong khi mọi thứ chưa sẵn sàng vận hành như tốc độ mình muốn, quả là tôi rất sốt ruột. Nhưng rồi tôi nhận ra, có những việc muốn giải quyết thì sự điềm tĩnh mới là quan trọng nhất. Bởi vì nhiều vấn đề ngay trước mắt nhưng gốc của nó lại rất xa. Nếu nôn nóng chỉ nắm được phần ngọn thôi.

Nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi ở tôi, đó là thói quen thích làm những việc khó và không bao giờ biết chán nản hay nao núng ý chí. Trong tôi, có một ngọn lửa thời trai trẻ lúc nào cũng cháy rực. Tôi luôn đặt mình vào điểm nóng, vào thử thách và hối thúc, cuốn gọi những người cùng làm việc với mình, cùng tận hiến. Đó là cá tính của tôi, biết thế là nhọc nhằn và vất vả nhưng không thể làm khác được.

Theo Nhân Dân hằng tháng

(Tiêu đề do VietNamNet đặt)