Mô tả sự chờ đợi như trong “vô vọng” trước thực trạng 2 dự án thủy điện ở Đồng Nai, ĐB Trương Văn Vở hỏi thẳng Bộ trưởng có đồng ý loại khỏi quy hoạch những dự án này không.

Việc phát triển thủy điện khiến nhiều diện tích rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh phải hi sinh, trong đó nổi lên 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A là vấn đề ĐB Trương Văn Vở “xoay” Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong phiên chất vấn tại Quốc hội chiều 12/6.

{keywords}

ĐB Trương Văn Vở. Ảnh: Minh Thăng

Thẩm quyền của Quốc hội

Theo ĐB, thời gian qua cử tri rất bức xúc trước việc chuyển mục đích rừng để xây dựng dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A với diện tích trên 370 ha, trong đó có gần 140 ha vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên.

Dù từng đề nghị với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ ngành liên quan xem xét dừng dự án và loại khỏi quy hoạch đối với 2 dự án này, nhưng như ông nói, đến nay “vẫn chờ đợi trong vô vọng”.

Dẫn Nghị quyết TƯ Đảng lần thứ 6 khóa 11 xác định, kiên quyết giữ diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, ĐB Vở muốn chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng NNPTNT.

“Một lần nữa đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trong vấn đề này. Để bảo vệ rừng nguyên sinh, Bộ trưởng có đồng ý với cử tri loại khỏi quy hoạch 2 dự án này không?”, ĐB tỉnh Đồng Nai hỏi thẳng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, ông đã “vào tận nơi” để kiểm tra về tình trạng rừng khi xây dựng thủy điện 6-6A.

{keywords}
Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Minh Thăng

"Quan điểm của tôi là nên hạn chế lấy rừng ở những nơi đã được quy hoạch làm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ở những nơi xung yếu vì lợi ích xã hội" – ông phát biểu.

Ông cũng cho rằng, trong trường hợp thực sự cần thiết thì “phải thực hiện theo quy định của pháp luật”.

“Về thẩm quyền, chúng tôi có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo với Chính phủ để Chính phủ báo cáo với Quốc hội thực trạng các rừng đó như thế nào. Nếu lấy 357 ha, bao gồm 137 ha của rừng quốc gia Cát Tiên, thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Vườn quốc gia Cát Tiên? Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ, trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên Môi trường tổng hợp để có đánh giá tác động môi trường của hai công trình này” – Bộ trưởng giải trình cơ chế liên trách nhiệm, không chỉ riêng Bộ Nông nghiệp.

Bộ trưởng Phát cũng cho biết, trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội theo Nghị quyết 49, vì công trình này sử dụng trên 50 ha đất rừng của vườn quốc gia.

“Nên về mặt chủ trương, có làm hay không là thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, ông Phát lý giải.

“Chia lửa” với Bộ trưởng Phát, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, hiện nay các dự án này đang được Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá tác động môi trường.

“Chúng tôi khẳng định, nếu tác động xấu đến môi trường, trong đó có ảnh hưởng lớn đến Vườn quốc gia Cát Tiên thì chắc chắn Chính phủ sẽ tính và xem xét” - ông Hoàng nói.

Nông nghiệp lệ thuộc?

Nguy cơ nông nghiệp Việt Nam lệ thuộc vào nước ngoài khi phải chi hàng tỷ USD hàng năm nhập nguyên liệu đầu vào, con giống, cây giống, vắc xim phòng bệnh vật nuôi, trong đó 70% thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI là vấn đề ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp.

“Có hay không việc lệ thuộc đầu vào nước ngoài?” - ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) hỏi.

{keywords}

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa. Ảnh: Minh Thăng

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình : “Có thông tin nói giống lúa nước ta 60-70% phụ thuộc nước ngoài. Tôi xin báo cáo với Quốc hội và cử tri thông tin này là không chính xác. Các loại giống, cây trồng, vật nuôi cơ bản sản xuất trong nước".

Theo Bộ trưởng, các loại con giống hiện nay hầu như tự sản xuất lấy. Có thể lấy nguồn gen từ các nước khác nhưng khi đưa về các nhà khoa học sẽ chuyển đổi cho phù hợp điều kiện nuôi trồng trong nước.

Đối với gia súc, Việt Nam có nhập một số con đầu dòng (ông bà, cụ kỵ) sau đó tổ chức nhân ra thành giống thương phẩm. Về lúa, Việt Nam hiện trồng 7,7 triệu ha lúa/năm, trong đó diện tích reo trồng 700 ngàn lúa lai, 7 triệu ha lúa thuần là tự sản xuất lấy. Riêng ở miền Bắc có một số diện tích nhập lúa lai 70% của nước bạn Trung Quốc.

“Chúng ta cố gắng tạo điều kiện các nhà hoa học chọn tạo giống lúa lai Việt Nam nhưng có phẩm chất chưa tốt bằng nước bạn nên tiếp tục nhập khẩu”.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp để tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp. Nhưng chất lượng nông sản lại thấp so với một số nước trong khu vực dẫn đến hàng hóa ứ đọng, khó tiêu thụ… làm cho nông dân dù cố gắng sản xuất đến đâu cũng không thoát được nghèo.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cơ bản có một số sản phẩm chất lượng thua kém so với một số nước như về lúa gạo là chất lượng trung bình khá chứ không phải cao…

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng nông sản, giá trị nông sản. Đây là nhiệm vụ, mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo đó, đảm bảo có giống tốt phổ biến cho bà con, có hệ thống cơ sở hạ tầng tương thích, giúp nông dân sản xuất ổn định, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tá Lâm