Ông Phạm Lương Sơn, Phó TGĐ BHXH Việt Nam cho hay, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN hàng năm không vượt tổng số thu trong năm.

Chi trả hàng năm không vượt tổng thu

Tại buổi tọa đàm về các vấn đề liên quan đến quản lý quỹ bảo hiểm xã hội( BHXH) ngày 11/3 ông Phạm Lương Sơn, Phó TGĐ BHXH Việt Nam cho biết, vừa qua, một số thông tin cho rằng, “chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 tăng 75,8% so với năm 2014”. Tôi xin khẳng định, thông tin này là không chính xác.

{keywords}

Ông Phạm Lương Sơn - Phó TGĐ Bảo Hiểm xã hội Việt Nam

Tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 28/01/2015, Thủ tướng Chính phủ giao chi phí quản lý của BHXH Việt Nam năm 2015 là 6.560 tỷ đồng, tăng 59% (2.445 tỷ đồng) so với năm 2014. Số chi phí quản lý bộ máy năm 2015 tăng 2.445 tỷ đồng so với dự toán năm 2014 là để thực hiện một số nhiệm vụ cần thiết, cấp bách mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp.

Như vậy, chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 tăng 59% so với năm 2014 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Còn chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy cơ quan BHXH chỉ tăng 6% so với năm 2014, ông Phạm Lương Sơn khẳng định về thông tin tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN vượt tổng số thu. Thực tế số thu BHXH năm 2015 là 148.375 tỷ đồng, số chi chế độ BHXH từ quỹ BHXH là 102.797 tỷ đồng bằng 69,3% số thu trong năm; số thu BHTN năm 2015 là 9.710 tỷ đồng, số chi chế độ BHTN từ quỹ BHTN là 4.883 tỷ đồng bằng 50,3% số thu trong năm; số thu BHYT năm 2015 là 59.669 tỷ đồng, số chi KCB BHYT là 49.035 tỷ đồng bằng 82% số thu trong năm.

Như vậy, tổng số chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN hàng năm không vượt tổng số thu trong năm.

Hạn chế cấp trùng thẻ BHYT

Để hạn chế việc cấp trùng thẻ, BHXH Việt Nam đã xây dựng, bổ sung chức năng rà soát thẻ trùng trong “Phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ BHYT”. Qua đó, tình trạng cấp trùng thẻ BHYT qua các năm đã giảm thiểu đáng kể, cụ thể: Năm 2013 số thẻ BHYT cấp trùng là 230.835 thẻ; số tiền cấp trùng là 133,69 tỷ đồng. Năm 2014 số thẻ BHYT cấp trùng là 160.912; số tiền cấp trùng là 82,2 tỷ đồng. Năm 2015 số thẻ BHYT cấp trùng là 116.096; số tiền cấp trùng là 54 tỷ đồng.

Thời gian qua, cơ quan BHXH đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra, từ chối thanh toán các chi phí sai quy định hàng trăm tỷ đồng mỗi năm; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Các giải pháp BHXH Việt Nam đã triển khai

Việc giám định BHYT điện tử là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi căn bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT; đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định, minh bạch trong thanh toán BHYT, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT.

Năm 2017, ngành BHXH sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng quỹ KCB BHYT, đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thông tin giám định BHYT để đảm bảo công khai, minh bạch và đảm bảo quyền lợi người bệnh BHYT; thành lập Trung tâm hỗ trợ khách hàng để hỗ trợ, tiếp nhận và xử lý kịp thời những phản ánh của người tham gia BHYT.

Thực trạng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN

Tính đến ngày 31/12/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 7.580 tỷ đồng, bằng 3,22% kế hoạch thu, trong đó: Nợ BHXH 6.551 tỷ đồng, nợ BHTN 323 tỷ đồng và nợ BHYT 705 tỷ đồng.

Tình trạng nợ BHXH vẫn diễn ra ở tất cả các tỉnh, thành phố, ở rất nhiều doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế ngoài quốc doanh, có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước...

BHXH Việt Nam đã thực hiện một số giải pháp khác như:

+ Chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố định kỳ báo cáo cấp ủy và chính quyền địa phương về tình hình thực hiện thu nộp BHXH, BHYT trên địa bàn. Tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy UBND tỉnh, TP ban hành văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị sử dụng lao động.

+ Hàng quý gửi thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ tiền lớn, thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên đến Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố để phối hợp chỉ đạo công tác thu nợ.

+ Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức thực hiện các phóng sự, chuyên đề về nợ BHXH, BHYT nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia BHXH, BHYT.

+ Phối hợp với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ LĐ-TB &XH, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện pháp luật tại một số tỉnh, thành phố, một số doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH kéo dài.

Kết quả, nhờ các biện pháp tích cực nhằm giảm nợ đọng BHXH, BHYT, năm 2016 tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN đã giảm xuống còn 3,22% so với số phải thu. (Năm 2015 tỷ lệ nợ là 4,88%; số tiền là 9.920 tỷ đồng).

Thúy An