- Trong dòng người tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều 12/10 tại nhà tang lễ Quốc gia có Anh hùng lực lượng vũ trang La Văn Cầu. Đã 82 tuổi nhưng ông vẫn xếp hàng 2 tiếng đồng hồ.

Trong trận Đông Khê (Chiến dịch biên giới năm 1950), khi đang chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị tiến công đồn, người chiến sĩ La Văn Cầu bị thương gãy nát cánh tay phải. Ông đã nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay này để khỏi vướng, sau đó dùng tay trái ôm bộc phá đánh mở đường, tạo thời cơ cho đơn vị đánh chiếm đồn địch.

Với sự hiện diện của ông tại đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quá khứ đau thương nhưng hào hùng về một thời khói lửa, với sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như hiện về.

Đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông La Văn Cầu trầm ngâm. Hình ảnh ống tay áo bên phải được vén gọn vào trong túi áo khiến nhiều người xúc động. Chiến tranh đã qua nhưng mất mát vẫn còn đây.

Nhiều người xin được chụp ảnh, trò chuyện với ông. Nghệ sĩ Tạ Trí Hải đang kéo đàn ngân lên khúc ca “Hồn tử sĩ” cũng tiến lại gần xin được hát tặng vị Anh hùng bài hát “Vị Đại tướng bất diệt”.

{keywords}

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu (phải) trầm ngâm lắng nghe bài hát “Vị Đại tướng bất diệt”. Ảnh: Cẩm Quyên

Lời bài hát thấm đẫm tình cảm tiếc thương với giai điệu hào hùng, bi tráng khiến những người có mặt đều nghẹn ngào, còn vị anh hùng thì lặng đi chẳng nói nên lời:

"Thu sang năm nay dân nhớ thương, dân đau buồn, dân khóc thầm

Đại tướng Võ Nguyên Giáp lừng lẫy 5 châu làm nên Điện Biên Phủ năm nào…".

Cách đó không xa, những cựu thanh niên xung phong hát vang bài ca “Quảng Bình quê ta ơi” để tưởng nhớ người con ưu tú của mảnh đất nghèo khó nhưng anh dũng, quật cường.

Xen giữa những lời ca như tiếng gọi, như lời nhắn nhủ: “Quảng Bình quê ta ơi/ Muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son/ Hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà” là những tiếng nấc nghẹn ngào khiến bài hát ngắt quãng vài lần mới đi được đến những giai điệu cuối cùng.

Đây cũng chính là bài hát đặc biệt yêu thích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn sống. Trong 1.559 ngày nằm viện, các điều dưỡng của bệnh viện 108 thường xuyên mở bài hát này cho Đại tướng nghe. Không ít lần Người đã rơi lệ trước những lời ca vừa đau thương, vừa bi tráng, hào hùng về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Người đã về với đất mẹ Quảng Bình yên giấc ngàn thu. Người sẽ sống mãi trong trong trái tim nhân dân Việt Nam.

Sợi dây nối quá khứ - hiện tại 

Ông Nguyễn Như Khôi (SN 1948, Hội phó Hội Đồng hương huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An tại Hà Nội) cho biết, đối với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sợi dây nối liền quá khứ đau thương, hào hùng của dân tộc với hiện tại là một đất nước thanh bình, đang trên đà phát triển.

Trong dòng người đưa tiễn Đại tướng, ông Khôi cho biết ông nhớ mãi thời gian giữa năm 1969, khi Bác Hồ chưa qua đời, ông có dịp cùng đoàn Việt Nam sang Thủ đô Kiev của Ucraina công tác rồi từ đó qua Matxcơva. Khi được những người lính của Liên Xô (cũ) hỏi đến từ nước nào, ông cho biết mình đến từ Việt Nam.

Họ liền đứng thành hàng rồi hô vang 3 từ: “Việt Nam, Hồ Chí Minh, Giáp Giáp!”. Nói thế để thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng chỉ sau Bác Hồ của chúng ta, cả trên đất nước này lẫn trên thế giới. Người mất đi là một tổn thất lớn cho dân tộc”, ông kể lại.

Trong đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, gây ấn tượng mạnh mẽ nhất có lẽ là những cựu chiến binh. Họ từng là người lính của Đại tướng, chiến đấu gian khổ trên chiến trường, trở về thời bình họ tiếp tục là những người lao động lương thiện. Với họ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi là tượng đài của lòng quả cảm, sắt son.

{keywords}

Biển người tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng 13/10. Ảnh: Phạm Hải

Trong chiến tranh Đại tướng là Tổng Tư lệnh, thời bình ông là chỗ dựa tinh thần, kết nối những thế hệ lại với nhau. Đại tướng mất đi rồi nhưng hồn Đại tướng đã hòa vào hồn dân tộc, vị trí của Đại tướng thống lĩnh trong lòng dân, sống mãi trong lòng dân”, ông Nguyễn Văn Bình, một cựu chiến binh chia sẻ.

Còn bà Nguyễn Thị Cúc (đến từ Phú Xuyên, Hà Nội) đã bắt xe lên Hà Nội từ 5 giờ sáng để kịp đến tiễn đưa Đại tướng. Bà cho biết mình vinh dự được gặp Đại tướng 1 lần (vào năm 1963) khi Đại tướng về thăm địa phương này.

Chúng tôi biết tin Đại tướng về thì rủ nhau đến để được gặp Người. Đến nơi thì Người đang chuẩn bị đi. Thấy mọi người quyến luyến, Đại tướng đứng lại thêm chốc lát rồi bất ngờ chỉ vào tôi và nói: Cháu bé nhất, đen nhất kia phải giúp bố mẹ, nuôi trâu cho béo nhé”.

Tôi nhớ mãi đến tận bây giờ. Đó là lần duy nhất trong đời tôi được gặp Đại tướng. Thế mà giờ Đại tướng đã đi rồi”, nói đến đây, bà Cúc bật khóc.

Bà Cúc cho biết, bố bà năm nay đã 90 tuổi nhưng còn minh mẫn, đã nằng nặc đòi con cháu mua vé máy bay vào Quảng Bình để đưa Đại tướng về nơi an nghỉ. Gia đình đã thực hiện mong muốn ấy của cụ.

Cẩm Quyên