Triều Tiên vừa lên tiếng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng ông quá giống người tiền nhiệm Barack Obama.

Báo chí Triều Tiên những ngày qua tỏ ra không vội hành động tương tự với chính quyền ông Trump, có thể bởi họ muốn chờ xem tân Tổng thống Mỹ sẽ chọn đường hướng nào, và theo đuổi những chính sách nào.

{keywords}

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. (Ảnh: CNN)

Nhưng theo báo New York Post, chuyến công du mới đây của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới châu Á dường như đã khiến Triều Tiên thay đổi.

Trong bình luận chính thức đầu tiên sau khi Ngoại trưởng Tillerson thăm khu vực, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ở Bình Nhưỡng đã dùng chính nhận xét 'toạc móng heo' của ông rằng, chiến lược của Tổng thống Obama cần bị thay thế và nỗ lực của Mỹ buộc Triều Tiên phải giải trừ hạt nhân trong 20 năm qua đã thất bại.

Người phát ngôn lên án ông Trump vì theo đuổi các chính sách giống hệt của chính quyền trước, đặc biệt là về cấm vận kinh tế gắt gao hơn.

"Trong chuyến công du mới đây, ông Tillerson thừa nhận Mỹ đã thất bại trong nỗ lực giải trừ hạt nhân đối với Triều Tiên 20 năm qua và kết thúc chính sách 'kiên nhẫn chiến lược' của Obama", KCNA dẫn lời một quan chức không nêu tên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên. "Giờ đây, Tillerson đang lặp lại những gì ông Obama rao giảng... cho đến khi ông ta rời Nhà Trắng".

Theo New York Post, từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, Triều Tiên hiếm có lúc nào "ngồi im".

Ngay trước khi Ngoại trưởng Tillerson đến Tokyo, Bình Nhưỡng đã cho phóng đồng loạt 4 tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản. Và trong khi ông còn đang ở Trung Quốc, Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử được mô tả là "mang tính cách mạng" đối với một loại động cơ tên lửa mới.

Hôm qua (22/3), Triều Tiên dường như đã tiến hành các vụ thử tên lửa từ cảng Wonsan nhưng không thành công.

Đến nay Tổng thống Trump vẫn chưa thực sự có một chính sách Triều Tiên. Ngoại trưởng Tillerson liên tiếp tuyên bố rằng, Nhà Trắng đang tiến hành đánh giá các chính sách một cách toàn diện và mục đích ông tới châu Á là để lắng nghe những người láng giềng của Triều Tiên.

Tuy nhiên, khả năng ông có thể làm được đến đâu vẫn còn là câu hỏi.

Thanh Hảo