Hillary Clinton vẫn chưa chính thức đón nhận chiến thắng bầu cử mang tính bước ngoặt; máy bay giám sát hàng hải Trung Quốc rơi ở Chiết Giang... nằm trong số một loạt diễn biến quan trọng trên thế giới 24 giờ qua.

Tin nổi bật

{keywords}

Hai ứng viên Dân chủ Bernie Sanders và Hillary Clinton. (Ảnh: AP)

Một số hãng thông tấn uy tín khẳng định Hillary Clinton đã tiến tới vị trí ứng viên đại diện cho Đảng Dân chủ đua vào Nhà Trắng. Nhưng nữ chính trị gia vẫn tỏ ra chưa vội vã nhận kết quả này.

"Theo tin tức, chúng ta đang tiến đến sát giây phút lịch sử chưa từng có tiền lệ", tạp chí National Affairs dẫn lời bà Hillary Clinton nói với đám đông gồm hàng trăm người ủng hộ ở California. "Nhưng chúng ta vẫn còn việc phải làm, đúng vậy không?".

Trước bài phát biểu, bà Hillary viết trên Twitter rằng bà "vui" trước kết luận của hãng tin AP nhưng bà vẫn còn "một số cuộc bầu cử (sơ bộ) phải chiến thắng". Sáu bang, trong đó có California và New Jersey.

Nhiều hãng thông tấn, trong đó có AP, tuyên bố Hillary chiến thắng vì bà đã giành đủ số siêu đại biểu ủng hộ. Bên cạnh đó, bà còn nắm trong tay đủ số đại biểu cam kết nhờ chiến thắng vang dội ở Puerto Rico.

Phản ứng trước diễn biến này, nhóm chiến dịch của Bernie Sanders tuyên bố báo chí đang phạm sai lầm khi "vội vã đi đến kết luận".

"Ngoại trưởng Clinton không có và sẽ không có đủ số đại biểu cam kết để đảm bảo được đề cử", phát ngôn viên Michael Briggs quả quyết trong một thông cáo.

Sáng 7/6 giờ Mỹ (tức chiều cùng ngày, giờ Việt Nam), nước Mỹ sẽ chứng kiến "Siêu thứ Ba" cuối cùng trong vòng bầu cử sơ bộ. Các ứng cử viên Dân chủ và Cộng hòa sẽ cạnh tranh ở 6 bang New Jersey, California, Montana, New Mexico, Bắc Dakota và Nam Dakota.

Tin vắn

- Theo hãng tin Tân Hoa, ngày 7/6, một trực thăng giám sát hàng hải của Trung Quốc đã gặp nạn và rơi khi đang trên đường trở về căn cứ ở tỉnh Chiết Giang làm 4 người thiệt mạng, gồm 2 thành viên đội bay và 2 nhân viên thực thi luật biển.

- Cựu Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi được đưa vào một bệnh viện ở Milan vì vấn đề tim mạch. Phát ngôn viên của đảng Forza Italia cho biết, tình trạng sức khỏe của ông không tốt nhưng không đe dọa tới tính mạng.

- Bộ Ngoại giao Anh vừa ra khuyến cáo với cổ động viên nước này đến Pháp xem các trận đấu bóng đá Euro 2016. Lý do là các khu vực dành cho cổ động viên, địa điểm truyền hình trực tiếp các trận đấu bóng đá và các đầu mối giao thông… có thể là mục tiêu bị tấn công.

- Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố nước này không thể là mối đe dọa khiến NATO tiến hành các cuộc tập trận sát biên giới Nga, cũng như leo thang quân sự tại khu vực. Ông cảnh báo Nga sẵn sàng sử dụng những biện pháp thích đáng để đáp trả đe dọa.

- Tại buổi bế mạc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ tại thủ đô Bắc Kinh, Ngoại trưởng John Kerry cho biết Washington và Bắc Kinh quyết tâm thực hiện đầy đủ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.

Tin ảnh

{keywords}

Ảnh: Reuters

Trung tâm Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu một vụ đánh bom giữa giờ cao điểm buổi sáng khiến ít nhất 11 người chết và hơn 30 người bị thương. Chiếc xe chất đầy thuốc nổ bị kích hoạt từ xa khi một xe cảnh sát đi qua. Hiện trường nằm ngay cạnh tòa nhà Đại học Istanbul và trụ sở hành chính thành phố.

Phát ngôn

Trả lời độc quyền kênh truyền hình Mỹ CNN bên lề một diễn đàn quốc phòng ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Minkoo nhận xét lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là một người "non trẻ, vội vàng và hấp tấp".

"Kim Jong Un lên nắm quyền khi mới 27 tuổi, có rất ít thời gian để chuẩn bị. Thêm vào đó, ông ấy còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm. Ông ấy có vẻ nôn nóng hoàn thiện năng lực hạt nhân và tên lửa, và việc nước này năm nay tăng cường thử nghiệm cũng là bất thường".

"Cha ông ấy, cố lãnh đạo Kim Jong Il, trong suốt 18 năm nắm quyền, chỉ có khoảng 18 vụ thử tên lửa. Trong khi đó, ông Kim Jong Un mới lãnh đạo Triều Tiên 4 năm mà đã có tới 25 vụ thử tên lửa", Bộ trưởng Minkoo nêu rõ thêm.

Sự kiện

Ngày 8/6/1953 - Một cơn lốc xoáy ập vào Beecher (Michigan, Mỹ) khiến 116 người thiệt mạng, 844 người bị thương và phá hủy 340 ngôi nhà.

Ngày 8/6/1987 - Chính phủ lao động của New Zealand thiết lập một khu vực phi hạt nhân quốc gia theo Đạo luật Phi hạt nhân, giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí năm 1987.

Thanh Hảo