Vùng lãnh thổ Guam nhỏ bé của Mỹ ở Thái Bình Dương trở thành tâm điểm cuộc khủng hoảng Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng dọa nã tên lửa đạn đạo vào hải đảo này.

Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ bằng "lửa và sự cuồng nộ" mà thế giới chưa từng chứng kiến.

{keywords}

Mỹ có hai căn cứ chính ở Guam.

Guam trở thành vùng lãnh thổ Mỹ kể từ năm 1898.

Hãng tin AP điểm lại vai trò của quân đội Mỹ ở hòn đảo này.

Các căn cứ quân sự ở Guam

Có hai căn cứ chính ở Guam: Căn cứ Không quân Andersen ở phía bắc và Căn cứ Hải quân Guam ở phía nam. Cả hai nằm dưới sự quản lý của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Joint Base Marianas.

Quận đảo Tumon – nơi có nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng du lịch nằm ở giữa.

Căn cứ hải quân có từ năm 1898, khi Mỹ giành Guam từ Tây Ban Nha sau cuộc chiến Mỹ - Tây Ban Nha. Cơ sở này được xây dựng năm 1944 khi Mỹ chuẩn bị phái máy bay ném bom đến Nhật Bản trong Thế chiến II.

Ngày nay, Căn cứ Hải quân Guam là cảng trú của 4 tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng hạt nhân.

Căn cứ Không quân Andersen là nơi trú của một phi đội trực thăng Hải quân và các máy bay ném bom Không quân luân phiên tới Guam từ đại lục Mỹ. Căn cứ có 2 đường băng dài 3km với nhiều kho lớn tích trữ đạn dược và nhiên liệu.

Tổng cộng 7.000 binh sĩ Mỹ đang đóng quân ở Guam. Hầu hết là thủy thủ và phi công. Quân đội đang có kế hoạch điều hàng nghìn lính thủy đánh bộ Mỹ từ Okinawa ở miền nam Nhật Bản tới Guam.

Guam có tổng dân số 160.000 người.

Vai trò của các căn cứ

Guam có địa thế chiến lược cách không xa bán đảo Triều Tiên và các điểm nóng tiềm tàng khác ở Đông Á. Seoul cách đảo này 3.200km về phía tây bắc, Tokyo cách 2.400 km về phía bắc còn Đài Bắc cách 2.700km từ phía tây.

{keywords}

Năm 2013, Mỹ điều một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD tới Guam.

Do Guam là một vùng lãnh thổ Mỹ nên quân đội nước này có thể phóng sức mạnh từ đây mà không cần phải lo bị "chủ nhà" phản đối.

Căn cứ Hải quân Guam là một tiền đồn quan trọng đối với các tàu ngầm tấn công nhanh của Mỹ, vốn là phương tiện chính để thu thập thông tin tình báo trong khu vực, trong đó có bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.

Mỹ sử dụng Guam thế nào?

Quân đội Mỹ bắt đầu luân chuyển các oanh tạc cơ – máy bay tàng hình B-2, B-1 và B-52 - tới Andersen từ năm 2004. Cường quốc này làm như vậy để bù đắp cho lực lượng Mỹ chuyển từ các căn cứ khác thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đi chiến đấu ở Trung Đông. Các đợt luân chuyển cũng diễn ra khi Triều Tiên leo thang tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân.

Năm 2013, Mỹ điều động một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD tới Guam. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo ở giai đoạn bay cuối cùng. Một khẩu đội THAAD bao gồm một bệ phóng đặt trên xe tải, một radar truy dấu vết, các tên lửa đánh chặn và một hệ thống kiểm soát hỏa lực tích hợp.

Lịch sử quân đội Mỹ ở Guam

Mỹ giành quyền kiểm soát Guam năm 1898, khi Tây Ban Nha đầu hàng Hải quân Mỹ.

Tổng thống William McKinley đã đưa Guam vào quyền chỉ huy của Hải quân Mỹ và lực lượng này sử dụng hòn đảo như một trạm tiếp sóng cho đến khi Nhật chiếm được đảo vào ngày 10/12/1941. Mỹ giành lại Guam vào ngày 21/7/1944.

Thanh Hảo