Một năm trước trận Trân Châu Cảng lừng lẫy trong lịch sử, vào ngày 11/11/1940, Hải quân Anh đã huy động lực lượng bất ngờ tấn công, đánh chìm đội tàu chiến của kẻ thù tại cảng Taranto, miền nam Italia. Trận đánh úp này ác liệt về sau được ví von như nguyên mẫu hay "trận Trân Châu Cảng của châu Âu".

Pha cứu nguy con hài hước của "ông bố của năm"

TQ "gặp hạn" với dự án nâng cấp tiêm kích tàng hình tối tân

Vào mùa thu năm 1940, nước Anh lâm vào rắc rối khi đồng minh Pháp ngã quỵ trước sự bành trướng của quân phát xít. Đức Quốc xã thống trị Tây Âu, khiến nước Anh rơi vào thế đơn độc. Tình hình càng thêm tồi tệ khi Italia, dưới sự dẫn dắt của nhà độc tài Benito Mussolini, cũng lao vào tham chiến.

{keywords}
Ảnh chụp cho thấy các tàu chiến của Hải quân Italia neo đậu tại cảng Taranto trước khị bị quân Anh đánh úp năm 1940. Ảnh: History.com

Mặc dù yếu hơn Đức và Nhật, nhưng Italia có một lợi thế vô giá: nước này nằm giữa Địa Trung Hải, án ngữ các tuyến đường biển dẫn tới kênh đào Suez và đảo Malta, nơi người Anh cần sử dụng như một điểm tiếp vận trên đường tới Bắc Phi. Để tránh Hải quân và Không quân của Italia, các đoàn tàu vận tải Anh sẽ phải từ bỏ tuyến đường trực tiếp dẫn vào Địa Trung Hải thông qua Eo biển Gibraltar và phải đi vòng qua châu Phi để vượt kênh đào Suez.

Đúng vào lúc căng thẳng, Hải quân Anh vạch ra kế hoạch nhằm chiếm ưu thế trước lực lượng hải quân của Italia (Regia Marina). Ở phía bên kia, người Italia cũng ngấm ngầm theo đuổi âm mưu tương tự. Về tương quan lực lượng, dù hạm đội hải quân của Italia nhỏ hơn, nhưng lực lượng Hải quân Anh cũng bị kéo căng quá mức vì lo đối phó với nguy cơ bị Đức tấn công bằng cả tàu nổi trên mặt nước và tàu ngầm.

Lúc bấy giờ, Hải quân Italia thường bị nhận xét là "nhút nhát". Lí do vì họ không muốn mạo hiểm để mất những chiếc tàu chiến quý giá và không thể thay thế được trong một trận hải chiến lớn. Giống như Hạm đội biển xa của Đức trong Thế chiến thứ nhất, các tàu chiến Italia thường neo đậu tại cảng và chỉ nhổ neo ra khơi để tập kích phái đoàn Anh yếu thế hơn.

Trong lúc phía Italia không muốn ra tay trước, Hải quân Anh đã âm thầm xúc tiến cuộc tấn công bất ngờ nhắm lực lượng đối địch tại cảng Taranto, miền nam Italia. So với 6 hàng không mẫu hạm và 400 máy bay Nhật đã huy động để tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941, lực lượng Hải quân Anh dùng để đánh úp hạm đội Italia trước đó 1 năm nhỏ bé hơn nhiều.

{keywords}
Hàng không mẫu hạm Anh Illustrious đưa các chiến đấu cơ tới tấn công dàn tàu chiến của Hải quân Italia. Ảnh: NYT

Tham gia chiến dịch tập kích bất ngờ của Hải quân Anh, dưới sự chỉ huy của Đô đốc Andrew Cunningham vào ngày 11/11/1940 chỉ có hàng không mẫu hạm Illustrious, 2 tuần dương hạm hạng nặng, 2 tuần dương hạm hạng nhẹ và 5 tàu khu trục. Trong khi đó, hạm đội Hải quân Italia cắm chốt tại Taranto có vẻ mạnh hơn, với 6 thiết giáp hạm, 9 tuần dương hạm hạng nặng, 7 tuần dương hạm hạng nhẹ và 13 tàu khu trục.

{keywords}
Máy bay chiến đấu Fairey Swordfish của Hải quân Anh. Ảnh: today.com

Cuộc tấn công của Hải quân Anh xảy ra vào đêm 11/11/1940, khi phần lớn binh lính cắm chốt trên các tàu chiến của Italia đang say giấc nồng. Thời điểm hành động cũng giúp cho các máy bay chiến đấu hai lớp cánh, hai người lái Fairey Swordfish của Anh, xuất kích từ hàng không mẫu hạm Illustrious tránh nguy cơ bị các chiến đấu cơ Italia phát hiện và bắn chặn.

Tổng cộng đã có 21 chiếc Fairey Swordfish cất cánh làm hai đợt từ hàng không mẫu hạm Illustrious. Gần một nửa số chiến đấu cơ này có nhiệm vụ thả quả ngư lôi duy nhất chúng mang theo, trong khi số chiến đấu cơ còn lại đảm nhiệm việc thả pháo sáng và những quả bom xuyên giáp tấn công các tàu chiến của kẻ thù. Không chỉ tạo được yếu tố bất ngờ, người Anh còn may mắn khi các hệ thống lưới giăng sẵn dưới đáy biển để tóm bắt ngư lôi tại cảng của người Italia  đã không phát huy tác dụng.

{keywords}
Ảnh: Word Press

Sau những phút ban đầu bị bất ngờ, lực lượng phòng thủ Italia đã đáp trả mãnh liệt. Các khẩu đội pháo của hải quân Italia trên cầu cảng đã nã tới 13.489 quả đạn pháo vào các chiến đấu cơ Anh. Các tàu chiến của họ neo đậu quanh cảng cũng tăng cường hỏa lực, nã hàng ngàn quả đạn pháo nhằm đẩy lui dàn máy bay tập kích.

{keywords}
Ảnh: Word Press 

Chiến dịch đánh úp bắt đầu lúc gần 22h58 ngày 11/11 và kết thúc sau hơn 1 tiếng, vào lúc rạng sáng ngày 12/11/1940. Rốt cuộc, Hải quân Anh bị mất 2 chiến đấu cơ, hai phi công thiệt mạng và 2 phi công bị bắt sống. Song, họ đã đánh chìm hoặc gây tổn hại nghiêm trọng đến 3 tàu chiến của Hải quân Italia.

{keywords}
Ảnh chụp cảng Taranto sau trận hải chiến cho thấy Hải quân Italia bị tổn thất nặng nề. Ảnh: today.com 

Trong đó, thiết giáp hạm Conte di Cavour của Italia bị chìm do trúng ngư lôi của Anh và bị thủng một lỗ lớn, kích thước 12 mét x 8 mét ở thân tàu. 27 thủy thủ trên tàu thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Về sau, tàu chiến này được trục vớt, rồi chuyển tới Trieste để sửa chữa và nâng cấp. Song, cho tới khi Italia đầu hàng quân đồng minh và Thế chiến thứ hai kết thúc, quá trình đại tu vẫn chưa hoàn tất, nên thiết giáp hạm này không còn cơ hội hoạt động trở lại.

{keywords}
Thiết giáp hạm Conte di Cavour bị chìm vì trúng ngư lôi của Anh. Ảnh: History.com

Một thiết giáp hạm khác của Hải quân Italia cũng bị chìm là tàu Littorio, do bị trúng 3 quả ngư lôi. 32 lính thủy trên tàu thiệt mạng và nhiều thủy thủ khác bị thương. Trong khi đó, thiết giáp hạm Caio Duilio bị một lỗ thủng nhỏ hơn ở thân và thoát nạn nhờ lao lên bờ kịp thời.

Trận hải chiến đẫm máu diễn ra chớp nhoáng với phần thắng thuộc về Hải quân Anh. Hải quân Italia gánh chịu tổn thất nặng nề khi mất một nửa sức mạnh thiết giáp hạm chỉ qua một đêm.

Tuy nhiên, mãi về sau người ta mới biết rõ một tác động to lớn nữa của trận hải chiến Taranto. "Vài ngày sau cuộc tập kích Taranto, gần như không bị chú ý trong bối cảnh hỗn loạn và hủy diệt, một nhân vật nhỏ bé trong bộ quân phục đã chú tâm nghiên cứu về cảng Taranto, cả về độ sâu và khoảng cách, rồi ghi chép cẩn thận. Đó là Trung úy Takeshi Naito, phó tùy viên không quân tại đại sứ quán Nhật ở Berlin. Anh ta không để lỡ bất kỳ điều gì liên quan đến những chiến hạm bị đánh chìm", trích cuốn sách "Cuộc tấn công vào Taranto: Kế hoạch chi tiết cho Trân Châu Cảng".

Đối với nhiều nhà nghiên cứu, quân đội Nhật đã rút ra các bài học quý giá từ trận hải chiến ở cảng Taranto để xúc tiến trận đánh úp kinh hoàng vào "người khổng lồ" Mỹ tại Trân Châu Cảng một năm sau đó, vào ngày 7/12/1941. Biến cố được coi là làm thay đổi lịch sử, dẫn đến việc Mỹ quyết định chính thức đưa quân tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tuấn Anh

Ngày này năm xưa: Bê bối bầu cử chấn động lịch sử Mỹ

Ngày này năm xưa: Bê bối bầu cử chấn động lịch sử Mỹ

Ngày 7/11/2000, cả nước Mỹ đi bỏ phiếu bầu tổng thống. Song, không ai ngờ, sự kiện rốt cuộc lại trở thành bê bối nghiêm trọng nhất lịch sử bầu cử Mỹ.

Ngày này năm xưa: Án tử cho Saddam Hussein - 'Một trò chơi chính trị'?

Ngày này năm xưa: Án tử cho Saddam Hussein - 'Một trò chơi chính trị'?

Ngày 5/11/2006, Tòa án của chính phủ lâm thời Iraq tuyên án tử hình cựu Tổng thống Saddam Hussein vì vụ thảm sát 148 người Hồi giáo Shi'ite tại Dujail năm 1982.

Ngày này năm xưa: Nữ thủ tướng lừng lẫy Ấn Độ bị ám sát

Ngày này năm xưa: Nữ thủ tướng lừng lẫy Ấn Độ bị ám sát

Ngày 31/10/1984, cả đất nước Ấn Độ rúng động trước thông tin nữ Thủ tướng Indira Gandhi bị hai lính cận vệ ám sát ngay tại tư dinh ở thủ đô New Delhi.