Trước những động thái của CHDCND Triều Tiên gây căng thẳng leo thang trong khu vực, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang cân nhắc chấm dứt quan hệ thương mại với bất kỳ quốc gia nào đang giao thương với Triều Tiên. Tuy nhiên, có lý do khiến Mỹ không thể làm điều đó.

{keywords}

Cây cầu Hữu nghị Trung-Triều nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với thị trấn Sinuiju của Triều Tiên được sử dụng để vận chuyển hàng hóa giữa hai nước.


Đây được cho là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế của quốc gia ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc này. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết nếu Mỹ áp dụng biện pháp trên thì đồng nghĩa với việc Washington cũng sẽ phải đối mặt với một thảm họa kinh tế.

Nhiều năm qua, bất chấp các lệnh trừng phạt và sự lên án của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn thực hiện các giao dịch nhỏ với một số đồng minh của Mỹ như Brazil, Đức và Mexico. Tuy nhiên, đối tác lớn nhất từ trước tới nay của Triều Tiên chính là Trung Quốc, chiếm khoảng 4/5 tổng kim ngạch thương mại về nhiện liệu, thực phẩm và thiết bị máy móc. 

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ với các mặt hàng như phụ tùng ô tô, nước ép táo và mới đây là sản phẩm iPhone với tổng trá trị kim ngạch thương mại lên tới gần 650 tỷ USD/năm. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc Mỹ chấm dứt quan hệ thương mại với các nước hợp tác với Triều Tiên khó có thể thực hiện được.

Tuyên bố trên của Tổng thống Trump cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang phải đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn. Trong khi Mỹ và các đồng minh thắt chặt trừng phạt và cô lập Triều Tiên thì chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục các nỗ lực phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và thử tên lửa đạn đạo.

Mỹ có ít lựa chọn, vì thế có khả năng sẽ mở rộng mục tiêu nhằm vào các công ty Trung Quốc đang làm ăn với Triều Tiên. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không đem lại hiệu quả trong việc ngăn cản chính quyền Bắc Kinh hợp tác với Triều Tiên vì lo ngại rằng các hạn chế thương mại có thể làm tồi tệ hơn các điều kiện ở Triều Tiên và khiến cho tình hình trở nên khó lường hơn.

Ông John Delury, giáo sư trường Đại học Yonsei ở Seoul, cho biết: "Nếu như Mỹ thực sự bắt đầu khiến nền kinh tế của mình suy thoái, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với một tình huống khó hơn”.

Việc thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên ngày 3/9 vừa qua khiến Nhà Trắng phải đe dọa sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mới nhằm vào doanh nghiệp và các quốc gia tiếp tục giao thương với Bình Nhưỡng và lời đe dọa của Mỹ gặp phải làn sóng chỉ trích từ Trung Quốc, cho rằng đây là ý tưởng trừng phạt thương mại "không thể chấp nhận".

Trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định rằng việc Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt mới này không những không khách quan mà còn không công bằng.

Liên quan đến hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, trong bảy tháng đầu năm, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với quốc gia này chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái do Trung Quốc mua ít than, quần áo và hàng hoá khác. 

Theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu IHS Markit, Global Trade Atlas, Trung Quốc giảm nhập siêu nhưng lại xuất siêu nhiều hơn sang Triều Tiên. Bất chấp lệnh trừng phạt mới, những lời cảnh cáo đối với Trung Quốc của Tổng thống Trump và một loạt các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Bình Nhưỡng trong tháng 7 tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là các mặt hàng thiết bị điện và máy móc.

Về nhập khẩu, Trung Quốc mua kẽm, quặng sắt, các khoáng chất, hải sản và hàng may mặc từ Triều Tiên. Mặc dù năm nay, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu than từ Triều Tiên trước khi Liên Hợp Quốc siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và khi Mỹ lên tiếng cho rằng các giao dịch của Trung Quốc giúp Triều Tiên phát triển chương trình hạt nhân, thì Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn truyền thống của Triều Tiên trong lĩnh vực này.

Về xuất khẩu, các doanh nghiệp nhà nước và các thương hiệu lớn nhất của Trung Quốc bán các sản phẩm như dầu và bia cho Triều Tiên. Đặc biệt, Trung Quốc còn được coi là nguồn cung cấp tiền mặt cho Triều Tiên khi các công nhân Triều Tiên làm việc tại Trung Quốc gửi ngoại hối về nước.

Theo New York Times (Mỹ), điều này giúp Triều Tiên vẫn duy trì được nền kinh tế và cho thấy chính sách hướng tới nền kinh tế thị trường của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng với việc dành nguồn vốn để mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa có khả năng tấn công lãnh thổ của Mỹ. 

Nếu như trước đây chỉ có các nhà máy nhỏ và các công ty gần biên giới thường xuyên giao dịch với Triều Tiên thì trong những năm gần đây một loạt các công ty tên tuổi ở Trung Quốc cũng bắt đầu làm ăn với quốc gia này mặc dù doanh số không cao. Ví dụ như hai công ty thiết bị TCL và Hisense đã cung cấp cho Triều Tiên một loạt các sản phẩm như tủ lạnh, điều hòa, màn hình TV và một số đồ điện tử khác. 

Midea, một tập đoàn lớn của Trung Quốc, đã mua lại công ty sản xuất robot công nghiệp Kula của Đức, cũng đã vận chuyển các sản phẩm như tủ lạnh, máy điều hòa, ống đồng và một số thiết bị điện tử sang Triều Tiên. Một số công ty ô tô của Trung Quốc như Great Wall, Chery và Geely đều có các hợp đồng giao dịch với Triều Tiên…

Theo một số chuyên gia, các công ty làm ăn với Triều Tiên này sẽ là mục tiêu hàng đầu của các lệnh trừng phạt và họ cho rằng cần có các chính sách mới nhằm gây áp lực đối với các công ty của Trung Quốc, trong đó có cả các ngân hàng lớn và các doanh nghiệp nhà nước. David Thompson, chuyên gia phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cao cấp có trụ sở tại Washington khẳng định: "Những gì bạn thấy là một chương trình rửa tiền dựa trên các hợp đồng thương mại”.

Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm ngăn cản hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ phản tác dụng nếu như nó tạo ra sự bất đồng giữa Washington, Bắc Kinh và Seoul.

Và đó sẽ là điều tuyệt vời đối với Triều Tiên vì đã khiến cho Mỹ và Trung Quốc bắt đầu một cuộc chiến thương mại.

Theo TTXVN/Baotintuc