Một loạt vụ thử tên lửa thành công của Triều Tiên chứng tỏ chuyên môn kỹ thuật của nước này ngày càng hoàn thiện, mang lại sức mạnh quân sự ngày càng lớn.

Chính quyền Kim Jong Un hành động rất gấp rút: thực hiện vụ thử tên lửa lớn nhất từ trước đến nay vào ngày 3/9 và bắn tên lửa đạn đạo thứ 2 trong năm 2017 qua không phận Nhật Bản ngày 15/9.

{keywords}

BBC liệt kê chương trình vũ khí của Triều Tiên cùng sức mạnh quân sự của nước này, và sức mạnh mà liên quân Mỹ - Hàn trong khu vực có thể tham gia nếu xung đột xảy ra.

Tên lửa Triều Tiên

Một số vụ thử tên lửa năm 2017 cho thấy Triều Tiên đang phát triển tên lửa thành công, tiềm tàng tấn công các mục tiêu cách xa, thậm chí tới đất Mỹ.

Tháng 5/2017, Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong 12 – mà giới phân tích tin có thể bắn xa 4.500km, đặt các căn cứ Mỹ trên đảo Guam vào tầm ngắm.

Hai vụ thử Hwasong-14 hồi tháng 7 càng cho thấy sức mạnh tiềm tàng hơn, giúp Triều Tiên có được tên lửa đạn đạo liên lục địa thực sự đầu tiên (ICBM). Giới phân tích tin rằng tên lửa này có thể là phiên bản 2 giai đoạn của Hwasong-12 và đạt tầm bắn 10.000 km, vươn tới tận New York.

Vào tháng 8/2017, Triều Tiên thử tên lửa Hwasong 12 thứ 2, phóng qua Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua Nhật và được miêu tả là "mối đe dọa chưa từng có tiền lệ".

Ngày 15/9, Bình Nhưỡng lặp lại hành động này khi thử tên lửa bay được khoảng cách xa hơn và đạt cao độ lớn hơn so với vụ thử hồi tháng 8 - một minh chứng cho bước tiến lớn của Triều Tiên về tầm bắn tên lửa.

Thành công của những vụ thử này – trái ngược với thất bại của những lần thử tên lửa Musudan trước đó – đã đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ tiến nhanh của chương trình tên lửa Triều Tiên. Michael Elleman thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) cho rằng Bình Nhưỡng có thể đã mua các động cơ phản lực nhiên liệu lỏng hiệu suất cao từ các mạng lưới bất hợp pháp ở Nga và Ukraina.

Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã trưng ra 2 tên lửa ICBM có tên KN-08 và KN-14. Chúng chưa từng được thử nghiệm, và vẫn chưa rõ mối liên hệ giữa chúng với Hwasong 12 và Hwasong 14.

Phía tình báo Mỹ giờ đây tin rằng Triều Tiên cũng đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để lắp vừa vào tên lửa.

Các vụ thử hạt nhân

Giới phân tích thừa nhận, vụ thử hạt nhân ngày 3/9 của Triều Tiên đến nay là lớn nhất trong tổng cộng 6 lần thử mà nước này thực hiện kể từ năm 2006. Vụ việc gây động đất 6,3 độ Richter, mạnh gấp 10 lần chấn động ghi được từ vụ thử hồi tháng 9/2016.

Triều Tiên tuyên bố đã thử bom nhiệt hạch, còn gọi là bom khinh khí hay bom H. Các ước tính về sức nổ của quả bom đạt khoảng 100-370 kiloton. Chỉ 100 kiloton là đã mạnh gấp 6 lần quả bom Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945.

Bình Nhưỡng bắt đầu chương trình hạt nhân từ những năm 1980. Vụ thử đầu tiên là một thiết bị có sức nổ khoảng 0,7 kiloton, được thực hiện năm 2006.

Sức mạnh quân sự

Không rõ Triều Tiên chi bao nhiêu ngân sách cho quốc phòng nhưng chính sách quân sự của nước này dành ưu tiên hàng đầu cho các lực lượng vũ trang. Và tuy có đội quân thường trực đông nhất thế giới nhưng hầu hết trang thiết bị quân sự của Triều Tiên lại lỗi thời.

Dù vậy, lực lượng truyền thống Triều Tiên có thể vẫn gây tổn thất rất lớn cho Hàn Quốc nếu nổ ra chiến tranh.

Ngoài quân số thường trực hơn 1 triệu, Triều Tiên có lực lượng dự bị khoảng 5 triệu người và 200.000 lính đặc nhiệm. Quân đặc nhiệm có thể xâm nhập sang Hàn Quốc trong bất kỳ cuộc xung đột nào, có thể dùng một mạng lưới bí mật gồm 20-25 đường hầm lớn chạy ngầm qua Vùng Phi quân sự (DMZ).

{keywords}
Ảnh: KCNA/Reuters

Một mối đe dọa tiềm ẩn nữa đến từ hàng nghìn khẩu pháo và bệ phóng tên lửa mà Triều Tiên triển khai dọc biên giới. Nhiều đơn vị trong số này núp trong những vị trí được gia cố bê tông. Từ đó, quân đội Triều Tiên có thể phóng hỏa lực sang Hàn Quốc dễ dàng.

Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào sự bảo trợ của Mỹ trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tuy vậy, Tổng thống Moon Jae-in mới đây tỏ dấu hiệu ông sẽ tăng cường chi tiêu quân sự.

Sức mạnh Mỹ trong khu vực

Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự trên bán đảo Triều Tiên kể từ cuộc chiến Triều Tiên năm 1950-1953. Hiện nay đang có khoảng 28.000 lính Mỹ đang đóng quân ở Hàn Quốc, gồm 9.000 nhân sự Không quân. Ngoài ra, Mỹ còn có khoảng 300 tên lửa M1 Abram cùng các xe thiết giáp.

Mỹ cũng lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân THAAD ở Seongju, nhằm bắn hạ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên nếu có chiến tranh.

Trong khu vực, Nhật Bản có số quân Mỹ đóng rất đông, hơn 47.000 lính. Yokosuka ở Nhật là trụ sở Hạm đội số 7 của Mỹ, nơi có hoảng 20 tàu được triển khai, gồm cả nhóm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan dẫn đầu.

Mỹ còn có sự hiện diện quân sự lớn trên đảo Guam – vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương còn được ví như "tàu sân bay thường trực".

Căn cứ Không quân Andersen ở Guam là nơi đồn trú của Phi đội 36 - vận hành 3 loại máy bay ném bom chiến lược B-52, B1-B Lancer và B2-Spirit.

Hồi tháng 3, có tin Không lực Mỹ đã triển khai thêm nhiều máy bay B-52 và B-1B tới Guam.

Thanh Hảo