Lệnh trừng phạt mới mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua sớm 12/9 nhằm vào Triều Tiên được miêu tả là "mạnh nhất" từng được áp đặt đối với quốc gia cô lập này từ trước đến nay.

"Nó sẽ cắt rất sâu", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley tuyên bố.

{keywords}
Ảnh: Sky News

Theo Sky News, hồi tháng 8, một đợt cấm vận cũng đã được đưa ra với Triều Tiên vì nước này thử tên lửa. Tuy nhiên, ngay lập tức, nhà lãnh đạo Kim Jong Un ra lệnh thực hiện một vụ thử hạt nhân mạnh chưa từng có.

Nghị quyết cấm vận trước đó, vào tháng 11/2016, cũng được ca ngợi là "gắt gao nhất và toàn diện nhất của Hội đồng Bảo an". Thế nhưng, không lâu sau, Triều Tiên thực hiện thành công 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn tới tận Mỹ, đồng thời thử một loạt vũ khí tầm ngắn và tầm trung khác.

Việc thông qua một nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép cộng đồng quốc tế, đặc biệt là 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết gồm Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Mỹ, thể hiện sự đoàn kết khi đưa ra một dạng cảnh báo tập thể đối với Triều Tiên. Nhưng trên thực tế, các nước vẫn chưa thể đạt được sự đồng thuận về con đường ở phía trước.

Có sự khác biệt lớn trong cách nhìn nhận về Triều Tiên của một bên là Nga - Trung Quốc và một bên là Mỹ cùng các đồng minh.

Phía Trung Quốc lo ngại một sự bất ổn khu vực. Thế nhưng, mối nguy của các vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học của Triều Tiên là vấn đề rất đau đầu. Nga – nước cũng có chung biên giới với Triều Tiên – cũng không vui vẻ gì trước nguy cơ chứng kiến binh lính Mỹ tiến sát hơn tới mạn đông.

Cả Moscow và Bắc Kinh đang thúc đẩy đề xuất kép: Mỹ - Hàn ngưng tập trận chung trên bán đảo Triều Tiên còn Bình Nhưỡng dừng chương trình hạt nhân gây căng thẳng.

Theo Sky News, nếu ý tưởng là tăng cường sức ép từng bước một cho đến khi ông Kim Jong Un buộc phải đơn phương giải giáp chương trình vũ khí và kêu gọi đối thoại thì thời gian chờ đợi điều này sẽ rất lâu. Trong thời gian đó, các nhà khoa học Triều Tiên chắc chắn sẽ gấp rút hành động để hoàn thiện ICBM.

Hồi những năm 1990, dù kinh tế khó khăn, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục ưu tiên cho quân sự, theo đuổi chính sách Songun (quân đội số 1). 

Chính ông Putin đã nói đến điều này khi bình luận rằng người Triều Tiên thà "ăn cỏ" chứ không từ bỏ chương trình hạt nhân. Do vậy, trong thời gian tới, thế giới nhiều khả năng sẽ chứng kiến Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí cho dù chịu cấm vận ngặt nghèo đến đâu đi nữa.

Thanh Hảo