Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài, tới thời điểm này Việt Nam đã có thể tự sản xuất được 10 loại vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng với 4 cơ sở đạt GMP. Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu vắc xin của người dân.
 

Việt Nam tự sản xuất được 10 loại vắc xin
 

Nghiên cứu và sản xuất vắc xin để dự phòng và kiểm soát các bệnh lây truyền và không lây truyền đã đóng góp một vai trò quan trọng vào sự giảm tỷ lệ bệnh tật của từng quốc gia nói riêng và quốc tế nói chung trong thế kỷ 20 cũng như thế kỷ 21 này. Tiêm phòng vắc xin ngăn ngừa được 2,5 triệu người chết mỗi năm, là một phần của các biện pháp can thiệp toàn diện trong phòng, chống và kiểm soát bệnh tật, vắc xin và tiêm chủng là sự đầu tư thiết yếu của mỗi quốc gia cũng như của toàn cầu trong tương lai. Việc thanh toán và hạn chế tỷ lệ mắc một số dịch bệnh nguy hiểm sẽ không đạt được nếu không có những nghiên cứu và sản xuất trong lĩnh vực về vắc xin.
 
{keywords}
VN đã tự sản xuất được nhiều loại vắc xin

Nhằm chủ động và nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu vắc xin có chất lượng, an toàn và giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu phòng chống bệnh cho nhân dân; hiện nay Việt Nam đang sử dụng 10 loại vắc xin sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng có khả năng dự phòng 11 bệnh bao gồm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt uống, sởi, thương hàn, viêm gan B, lao, viêm não Nhật Bản, tả và Hib.

Trong số đó, chỉ có vắc xin Hib là hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được. Phát triển sản xuất vắc xin trong nước góp phần quan trọng vào việc đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin dự phòng. Từng bước nâng cao năng lực sản xuất vắc xin trong nước trên cơ sở sử dụng tối ưu nguồn lực sẵn có và tiếp cận các kỹ thuật khoa học tiên tiến, hiện đại để đưa vắc xin sản xuất trong nước sử dụng trong chương trình TCMR và xuất khẩu là yêu cầu tất yếu được thực hiện trong Đề án: “Chương trình phát triển sản phẩm vắc xin” đã được trình Thủ tướng Chính phủ.
 
Hiện nay, Việt Nam đã có 4 cơ sở sản xuất vắc xin có dây chuyền đạt tiêu chuẩn GMP bao gồm Công ty TNHH Một thành viên vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Công ty TNHH Một thành viên vắc xin Pasteur Đà Lạt (DAVAC), Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) và Viện vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC).

Tới thời điểm hiện tại, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đưa vào triển khai vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib) và vắc xin HPV (ung thư cổ tử cung). Bên cạnh đó, Chương trình TCMR cũng dự kiến sẽ triển khai thêm nhiều vắc xin mới để tiêm phòng cho trẻ em Việt Nam.

Từ năm 2010, với sự giúp đỡ của GAVI, vắc xin Hib cộng hợp đã được triển khai tiêm phòng cho trẻ em trong chương trình TCMR. Các vắc xin Rubella, phế cầu, Rotavirrus cũng đã được cân nhắc đưa vào kế hoạch triển khai tiêm phòng cho trẻ em trong thời gian sớm nhất có thể. Cũng giống với vắc xin phối hợp 5 trong 1, việc tìm nguồn vắc xin thay thế đặc biệt là nguồn vắc xin sản xuất trong nước sau khi hết nguồn vốn viện trợ của các tổ chức quốc tế là rất cần thiết. Chất lượng và thương hiệu vắc xin sản xuất trong nước đã được khẳng định trong những năm qua, do đó ý thức tiêm phòng vắc xin của người dân và nhu cầu  sử dụng vắc xin trong nước cũng đã tăng lên.

Dịch bệnh bùng phát mạnh, ý thức phòng bệnh bằng vắc xin của người dân được nâng cao, nhiều vắc xin mới tiềm năng xuất khẩu sẽ là động lực chính để thị trường vắc xin sẽ tăng trưởng mạnh tại Việt Nam và những năm tới.

Năm 2020 Việt Nam đáp ứng được 100% nhu cầu vắc xin
 
Quy hoạch và định hướng phát triển ngành Dược Việt Nam đến giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 cũng đã xác định rõ cần phải đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế trong nước.
 
Theo quy hoạch này để nâng cao năng lực sản xuất vắc xin và tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất vắc xin trong nước, Việt Nam đang kêu gọi và tạo điều kiện đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất vắc xin. Hiện nay, đã có một dự án được cấp phép đầu năm 2010, mục tiêu hoạt động là xây dựng dự án sản xuất vắc xin dại vero đông khô, Rubella, cúm thông thường, thủy đậu dùng trên người với tổng đầu tư dự kiến 20 triệu USD tại Bắc Giang.
 
{keywords}
Vắc xin và tiêm chủng mở rộng đã đem lại nhiều thành quả lớn

Quy hoạch và định hướng phát triển ngành Dược Việt Nam đến giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030 đặt mục tiêu đối với công nghiệp sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, cần ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến đẩy mạnh và khuyến khích sản xuất các vắc xin phục vụ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng để bảo đảm đến năm 2020 đáp ứng được 100% nhu cầu sử dụng vắc xin phục vụ công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân.
 
Xây dựng cơ chế, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các nhà máy sản xuất sinh phẩm y tế giảm tỷ lệ nhập khẩu đối với sinh phẩm y tế, khuyến khích nâng cấp và phát triển hệ thống các nhà máy sản xuất vắc xin trong nước, tăng cường đào tạo về trình độ chuyên môn kỹ thuật nhằm tăng sản lượng và nâng cao chất lượng vắc xin phục vụ nhân dân trong từng giai đoạn phù hợp theo mô hình bệnh tật.
 
Khuyến khích nghiên cứu khoa học, tập trung nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, nghiên cứu triển khai và sản xuất thử nghiệm. Gắn kết hiệu quả quá trình nghiên cứu vào sản xuất thực tế.
 
Khuyến khích đầu tư nghiên cứu và xây dựng các nhà máy hoặc các dây chuyền sản xuất mới, công nghệ hiện đại để sản xuất vắc xin phối hợp, vắc xin đa giá. Nhà nước  cần đầu tư nâng cấp Viện kiểm định vắc xin sinh phẩm Quốc gia đạt chuẩn quốc tế phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vắc xin sản xuất trong nước nói riêng và vắc xin, sinh phẩm y tế nói chung.
 
Yến Ngọc