- Người nghiện thuốc có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5 đến 10 lần so với người không hút, phân nửa chết trong tuổi trung niên hoặc mất đi khoảng 20 năm tuổi thọ. 

Gần 60 triệu người Việt Nam hút thuốc

Tại hội thảo "Hơi thở cuộc sống - Vì một thế giới không khói thuốc" tại Hà Nội chiều 27/5, các chuyên gia đã cung cấp những con số giật mình về tỉ lệ hút thuốc lá tại Việt Nam

BS CKII Tạ Chi Phương, nguyên trưởng khoa ung bướu, Bệnh viện Phổi TƯ cho biết, Việt Nam là trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút trực tiếp và 44 triệu người hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc của những người xung quanh), tiêu tốn 14.000 tỉ đồng mỗi năm. Trên thế giới, con số này khoảng 1,1 tỉ người.

Người hút thuốc lá không chỉ tự rước bệnh vào người mà còn làm hại cả người xung quanh khi 2/3 số khói sẽ lan tỏa ra môi trường chứ không vào phổi người hút. Tỉ lệ hút thuốc thụ động trong dân số khoảng 67% nhưng tại công sở lên tới 90% và có trên 54% trẻ em Việt Nam bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá.

{keywords}
Phần cuống phổi của một bệnh nhân chuyển màu đen do nhiều năm liên tiếp hút vài chục điếu thuốc/ngày

Ước tính cứ 10 người hút thuốc tử vong thì một người chết vì hít khói thuốc thụ động.

"Trong khói thuốc lá có chứa hàng nghìn chất khác nhau, trong đó có 40 chất độc hại, 20 chất đặc biệt độc hại, ảnh hưởng đến hô hấp, làm chết lớp niêm mạc, hấp thụ vào máu hoặc hoàn tan vào nước bọt nuốt vào", BS Phương thông tin.

PGS.TS Lê Chính Đại, Phó giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cũng cảnh báo: 95% bệnh nhân ung thư phổi và 75% bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính có tiền sử hút thuốc lá.

Thuốc lá là căn nguyên của 25 bệnh khác nhau, trong đó có trên 10 bệnh ung thư.

"Ngoài những ung thư do tác động trực tiếp của khói thuốc lá, nhiều nhất là ung thư phổi, thực quản, dạ dày, họng, hầu, miệng, khói thuốc lá còn là tác nhân gây ung thư tụy, thận, niệu quản, bàng quang, cổ tử cung... do khói thuốc là tác nhân hợp đồng với các yếu tố khác làm tăng nguy cơ ung thư", PGS Đại giải thích.

Theo GS Đại, mỗi năm Việt Nam có tới 70.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá thì có tới 17.000 người chế do ung thư phổi với xu hướng mắc bệnh ngày càng trẻ.

Tại Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một nam thanh niên mới 20 tuổi đã mắc ung thư phổi do bắt đầu hút thuốc lào từ năm mới 7 tuổi.    

Dễ chết hơn 10 lần hoặc mất 20 năm tuổi thọ

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không khói thuốc mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về hệ lụy của thuốc lá, trong đó nhấn mạnh thông tin, người nghiện thuốc lá có nguy cơ tử vong cao gấp 2,5-10 lần so với người không hút.

Với ung thư phổi - ung thư có tỉ lệ mắc lớn nhất tại Việt Nam, những người hút 1 bao thuốc mỗi ngày sẽ dễ bị ung thư phổi gấp 10 lần so với người không hút thuốc lá và tăng lên gấp 25 lần với những người hút 2 bao/ngày.

Người hút thuốc lá trong vòng 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Đặc biệt, người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút. Cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có 1 người sẽ tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và phân nửa trong số này sẽ chết trong tuổi trung niên

{keywords}
Bác Nhân chia sẻ câu chuyện của chính mình

Ngoài ra nhiều người lầm tưởng cai được thuốc lá là hết nguy cơ, tuy nhiên thực tế nếu hút thuốc quá lâu trước khi bỏ thì người hút vẫn hứng chịu hậu quả như thường.

Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ, bố anh từng hút thuốc ròng rã suốt 20 năm, sau đó từ những năm 1985, ông bắt đầu bỏ thuốc. Khi dừng hút, ông sụt 2kg nhưng sau đó tăng liền 8kg, sức khỏe tốt lên trông thấy.

"Tuy nhiên gần đây mỗi khi đi lại ông cụ thấy rất khó thở, mệt mỏi. Khi đi khám, bố tôi phát hiện ra đã bị phổi tắc nghẽn mãn tính", nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ.

Hay như trường hợp bác Trần Văn Nhân (67 tuổi, Kim Động, Hưng Yên), từng hút thuốc 15 năm, sau đó dừng 20 năm thì phát hiện bị ung thư phổi và được bác sĩ chỉ định cắt bỏ khối u vào tháng 4/2006.

Theo các bác sĩ, vẫn có 10 -13% người nghiện thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi với thời kỳ tiềm ẩn từ 30-40 năm kể từ khi bắt đầu hút cho đến khi xuất hiện ung thư phổi.

Còn với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, những trường hợp nghiện thuốc lá nặng (hút trên 25 điếu/ngày) sẽ có tỉ lệ tử vongcao gấp 30 lần người không hút.

Thúy Hạnh