- Đối với nam giới, khả năng sinh sản “có vấn đề” dường như là việc đáng xấu hổ. Nhiều người mặc nhiên ‘đổ tội’ cho vợ, thậm chí cặp bồ để khẳng định ‘bản lĩnh phái mạnh’.

“Dọa” kiếm con bên ngoài

Vợ chồng anh Nam - chị Thu (Hà Nội) lấy nhau 3 năm mà chưa có con, mặc dù mọi sinh hoạt vợ chồng diễn ra bình thường. Chị Thu đã đi khám hết chỗ này đến nơi khác nhưng lần nào cũng chỉ nhận kết luận như nhau: Sức khỏe tốt!. Ngược lại, anh Nam nhất định không chịu đi khám mà mặc nhiên cho rằng, việc chậm có con là do Thu.

Mỗi lần đi khám về, chị Thu đều đưa cho anh Nam xem kết quả. Với anh Nam, hành động đấy như một sự thách đố, chẳng khác nào bảo anh “có vấn đề”. Đáp trả lại vợ, anh công khai ngoại tình với hết người phụ nữ này đến người phụ nữ khác cùng cơ quan. Thậm chí, anh tuyên bố với vợ: “Nếu cô không đẻ được con thì tôi sẽ mang con từ bên ngoài về”.

{keywords}
Người chồng không chịu đi khám là một trở ngại lớn trong điều trị hiếm muộn

Thấy sự việc căng thẳng, mẹ của anh Nam khuyên con trai đi khám và được biết tinh trùng của anh rất yếu, khó có con.

Với tình trạng yếu tinh trùng của anh Nam, khi đến khám, bác sĩ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội đã vạch ra phác đồ điều trị rõ ràng. Ban đầu, cần phải uống thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng cho tinh trùng, kết hợp với việc sinh hoạt lành mạnh.

Tuy nhiên, do tinh trùng quá yếu, nên cuối cùng, các bác sĩ đã phải giúp vợ chồng Nam – Thu làm phương pháp thụ tinh nhân tạo. Hiện hai vợ chồng anh chị Nam - Thu đã có 1 bé trai 6 tháng rất kháu khỉnh.

Chồng ‘yếu’, vợ bị bạo hành

Còn chị Nguyệt (31 tuổi) từng phải viện đến dịch vụ tư vấn tâm lý và sức khỏe vì bị chồng lẫn gia đình chồng bạo hành.

Lấy nhau 5 năm mà không có con, điều kiện gia đình lại không khá giả gì, nhưng ai mách ở đâu chị cũng đi khám. “Có bệnh vái tứ phương”, nhưng chị chỉ còm cõi đi 1 mình. Bốc thuốc về nhà, chị nói khó chồng mới uống. Còn chuyện bảo chồng đi khám cùng là điều… không tưởng!

“Anh ấy biết bị yếu sinh lý, vì toàn rơi cảnh ‘chưa đến chợ đã hết tiền’. Tôi cứ mở miệng nói về việc này là anh ấy gạt đi. Dường như đó là chuyện rất ám ảnh với đàn ông” – chị Nguyệt nói và cho biết càng ngày chồng chị càng trở nên khó tính, cáu bẳn, thậm chí đánh, mắng vợ vô cớ.

“Tôi còn bị gia đình chồng, nhất là mẹ chồng nói xéo, đổ hết lỗi không có con là do con dâu. Thậm chí có lúc mẹ chồng còn gây sức ép bắt chồng ly dị tôi. Nhưng hơn ai hết chồng tôi hiểu rõ nguyên do là tại anh ấy nên không làm vậy. Bản thân mẹ chồng tôi cũng không biết con trai bà có bệnh và tôi có nói thì bà cũng không tin” – chị Nguyệt chia sẻ và cho biết chị đang thực sự bế tắc.

Không khám kịp thời, rất dễ tan vỡ

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi - Chương trình tư vấn Cửa sổ tình yêu - cho biết đã gặp không ít gia đình vì chuyện tình dục mà mất hạnh phúc, thậm chí tan vỡ.

Về phía người đàn ông, họ vẫn có tâm lý mặc định, 'chuyện ấy' là một trong những thước đo độ mạnh mẽ, nam tính của họ. Vì vậy, khi gặp bệnh lý, họ mặc cảm hơn phụ nữ nhiều. Lí do này dẫn đến bản tính tự ti, mặc cảm, cáu gắt ở nam giới.

Mối quan hệ giữa tâm lý và bệnh lí là mối quan hệ tương tác hai chiều. Nếu tâm lý không thoải mái thì bệnh lý càng trở nên căng thẳng.

Do vậy, vai trò của người vợ là rất quan trọng. Người vợ chính là bác sĩ tận tâm giúp cho người chồng thoát khỏi sự bế tắc về mặt tâm lý này bằng cách trấn an, chia sẻ, cảm thông và động viên giúp chồng vượt qua khó khăn.

“Hãy giải thích để người đàn ông của mình hiểu rằng, bệnh lý nam học chỉ là một trong số vô vàn bệnh lý mà người không may mắn sẽ mắc phải. Rằng, với người vợ, hình ảnh của một người chồng chịu thương chịu khó, yêu vợ thương gia đình, sẵn sàng làm mọi việc vì gia đình còn lớn lao hơn hình ảnh của một người đàn ông khi trên giường.

Nếu chị em làm được như vậy thì quá trình điều trị về sau của bác sĩ sẽ đơn giản hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn” – chuyên gia Nguyễn Thị Mùi cho biết.

Hoài An - Thục Anh