An toàn tiêm chủng không chỉ là vấn đề chất lượng vắc xin hay tuân thủ quy trình kỹ thuật của nhân viên y tế, mà nó còn phụ thuộc vào quá trình chăm sóc, theo dõi trẻ tại gia đình sau tiêm chủng.

Mỗi năm có khoảng 1,7 triệu trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng, cha mẹ sẽ chăm sóc trẻ như thế nào là tốt nhất để đảm bảo an toàn, TS. Nguyễn Văn Cường, chuyên gia Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia hướng dẫn:

Sau khi con được tiêm chủng, cha mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc hạ sốt hay chườm, đắp, bôi thuốc hoặc bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, kể cả thuốc theo kinh nghiệm dân gian. Bên cạnh đó, cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

{keywords}


- Thưa ông, những biểu hiện nào có thể gặp sau khi trẻ được tiêm chủng và biện pháp xử trí ra sao?

Các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin là đau tại chỗ tiêm, sốt nhẹ (dưới 38,5oC), một số vắc xin (như sởi - rubella có thể phát ban trong 7-10 ngày sau tiêm chủng, chiếm khoảng 2% các trường hợp). Rất hiếm gặp các phản ứng nặng như co giật, tím tái, khó thở sau tiêm vắc xin.

Đối với các phản ứng thông thường các bà mẹ theo dõi chăm sóc trẻ tại nhà, phản ứng thường tự khỏi và không phải dùng thuốc, khi thấy có các biểu hiện bất thường về sức khỏe sau tiêm chủng hoặc khi phản ứng thông thường như: sốt, đau, hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc...) kéo dài trên một ngày, hoặc gia đình không yên tâm về sức khỏe của trẻ thì cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí.

- Khi cho trẻ đi tiêm chủng thì cha mẹ nên chú ý những vấn đề gì?

Khi đi tiêm chủng các bà mẹ, người chăm trẻ cần lưu ý:

Mang theo sổ tiêm chủng cá nhân của trẻ.

Thông báo cho cán bộ y tế biết về các biểu hiện của cháu trong lần tiêm chủng trước.

Không để trẻ bị đói trước khi đi tiêm chủng. Cho trẻ ăn uống bình thường sau tiêm.

Không có chống chỉ định tiêm vắc xin với các trẻ béo phì, các cháu suy dinh dưỡng cha mẹ cũng cần phải chủ động cho trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch

Cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm chủng.

Hỏi cán bộ y tế loại vắc xin trẻ được tiêm và cách theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng

- Việc theo dõi trẻ sau tiêm chủng nên được thực hiện trong thời gian bao lâu, thưa ông?

Sau tiêm chủng bất kỳ loại vắc xin gì trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ. Trong trường hợp trẻ sốt cần cặp nhiệt độ, việc dùng thuốc hạ sốt phải theo hướng dẫn của cán bộ y tế, nếu trẻ quấy khóc nhiều hay có các dấu hiệu bất thường hoặc gia đình không yên tâm về sức khỏe của cháu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được theo dõi và chăm sóc.

Hằng Nga (thực hiện)