- Mang giọng nói “như phụ nữ” khiến nhiều người đàn ông luôn mặc cảm, tự ti, thậm chí không dám “tán gái”.

Năm nay 28 tuổi nhưng anh Sang quê Hậu Giang lại có chất giọng thanh và cao. Nếu không thấy người mà chỉ nghe tiếng, ai cũng bị nhầm là đang nghe giọng của một phụ nữ.

Nam thanh niên này chia sẻ, từ khi 10 tuổi, anh đã mang giọng nói như phụ nữ. Suốt những năm tháng đi học hay lúc ra làm việc, mỗi khi nghe tiếng anh nói, bạn bè, đồng nghiệp đều cười ồ.

{keywords}
Nhiều đấng mày râu rơi vào khủng hoảng khi mang giọng nói phụ nữ

Chính vì giọng nói chẳng giống đàn ông khiến anh Sang mặc cảm, tự tin và ngại tiếp xúc với mọi người, nhất là phái nữ. Ấy thế mà đã 28 tuổi nhưng Sang vẫn chưa có “mảnh tình vắt vai”.

Trường hợp tương tự là của bạn Nam (sinh viên năm 2 một trường ĐH ở TP.HCM).

Nam nói rằng trong nhà có 2 chị gái. Lúc nhỏ, khi nghe giọng các chị, nam sinh viên đã học theo. Lâu dần, giọng của Nam đã bị ảnh hưởng.

Cả 2 mới đây đã tìm tới Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM thăm khám và sau thời gian điều trị đã tìm lại được giọng nói thật của mình.

Theo BS Trần Thị Thu Trang, đơn vị Thanh học, mỗi tháng BV tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân bị tình trạng đàn ông mang giọng phụ nữ.

Rối loạn giọng ở nam giới trong độ tuổi dậy thì dẫn tới không điều chỉnh được khi trưởng thành.

Thông thường, khi đến tuổi dậy thì, trẻ nam sẽ bắt đầu đổi giọng từ thanh âm cao sang trầm. Tuy nhiên, một số không chấp nhận giọng mới mà muốn giữ lại chất giọng của trẻ em.

Ngoài ra, với các gia đình có nhiều chị em gái, các bé nam có thể bị “nhiễm”giọng nói của con gái.

"Đặc trưng của tình trạng trên khiến giọng của trẻ phát âm cao, hơi khàn khó lấn át được tiếng ồn xung quanh" - BS Trang nói và cho biết, “lạc giọng” khiến nam giới thiếu tự tin trong giao tiếp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống.

Để giúp người bệnh tìm lại giọng nói của mình, BV Tai Mũi Họng đã áp dụng phương pháp luyện ngữ âm trên cơ sở phát triển thanh âm trầm, loại trừ thanh âm cao, khàn.

Nếu phát hiện sớm (trong giai đoạn trong hoặc sau tuổi dậy thì) một bệnh nhân chỉ cần khoảng 3 buổi điều trị, mỗi buổi 30 đến 45 phút.

Những người bệnh trưởng thành hoặc người có giọng nói hoàn toàn đặc trưng của nữ giới thì cần thời gian điều trị lâu hơn khoảng 7 đến 10 buổi.

Trong năm 2016, BV Tai Mũi Họng đã điều trị cho 60 trường hợp, và tất cả đều tìm lại được giọng nói thực của mình.

Đức Quý