- Một số trường hợp thủy đậu gây biến chứng, thậm chí tử vong. Người lớn mắc bệnh thủy đậu dễ bị biến chứng, có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em.

Ths.BS Vũ Mạnh Cường, khoa Bệnh nhiệt đới, BV E cho biết, 1 tháng qua, khoa tiếp nhận và điều trị cho hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu, trong đó có nhiều trường hợp người lớn.

Gần nhất, trong vòng 3 ngày từ 4 - 6/2, có 2 bệnh nhân người lớn phải vào khoa điều trị và theo dõi biến chứng. 

Bệnh nhân nữ là V.T.T.H (30 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, mụn nước nổi toàn thân.

{keywords}
Chị H. vẫn đang nằm theo dõi tại bệnh viện sau khi mắc thuỷ đậu

Chị H. phát hiện các mụn nước từ ngày 5/2. Trước đó có tiếp xúc với con 2 tuổi bị mắc thủy đậu, đã được điều trị khỏi hôm 31/1.

Sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân vẫn sốt, nổi nốt ban toàn thân, có những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng, có nốt mới mọc

Bệnh nhân thứ hai là nam thanh niên N.M.H (23 tuổi, Bắc Từ Liêm), vào viện ngày 4/2 trong tình trạng bỏng nước toàn thân. Cách đó 3 ngày, bệnh nhân này có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh.

BS Cường cho biết, cả 2 bệnh nhân nói trên đều chưa từng mắc thuỷ đậu và chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.

Người lớn dễ tử vong hơn trẻ em

BS Cường cho biết, thuỷ đậu xuất hiện quanh năm nhưng thường rộ lên trước Tết âm lịch và kéo dài hết mùa xuân. Hiện đang vào mùa lễ hội nên thuỷ đậu càng dễ lây lan trong môi trường tập thể.

Đây là bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter, dễ lây lan từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Loại virus này có thể sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu ngay cả khi đã bong ra.

{keywords}
Bệnh nhân N.M.H 

Trẻ em từ 2-8 tuổi có nguy cơ mặc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ.

Đa số trường hợp mắc thủy đậu đều tự khỏi nhưng vẫn có một số trường hợp gây ra biến chứng, thậm chí tử vong. Đặc biệt, người lớn mắc bệnh thủy đậu lại dễ bị biến chứng và có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ em.

Trong số những biến chứng hay gặp ở thuỷ đậu như nhiễm trùng máu, viêm não, viêm phổi... thì biến chứng viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn trẻ em.

Đến nay, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã từng ghi nhận 1 trường hợp là bác sĩ tại Đồng Tháp tử vong vì thuỷ đậu. Bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng viêm phổi quá nặng, suy hô hấp.

Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu cũng cho biết, cách đây 2 năm cũng có 1 trường hợp người lớn tử vong vì thuỷ đậu do biến chứng nhiễm trùng máu.

Với phụ nữ có thai, mắc thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

TS.BS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội nhi tổng hợp, BV E cho biết thêm, khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ.

Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên.

Bệnh kéo dài từ 7-10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt bỏng nước này sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi bỏng nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

Hiện Việt Nam chưa đưa thuỷ đậu vào tiêm chủng mở rộng. Để phòng bệnh, người dân có thể đến tiêm vắc xin dịch vụ với giá khoảng 600.000/liều, tiêm 2 liều.

Thúy Hạnh