Với trên 11.000 trạm y tế xã - phường, hơn 660 bệnh viện, trung tâm y tế huyện và khoảng 350 phòng khám đa khoa khu vực, y tế cơ sở dù được xem là “người gác cổng” vẫn chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Trạm y tế vắng bệnh nhân

Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang quản lý 26 trạm y tế (TYT), 5 phòng khám đa khoa với khoảng 200.000 người dân đăng ký khám chữa bệnh BHYT. Dù cách trung tâm TP Hà Nội chưa đầy 30km nhưng phần lớn TYT ở Sóc Sơn đang rơi vào tình trạng thiếu bác sĩ chuyên khoa, cơ sở vật chất xuống cấp nên không ít người dân địa phương mỗi khi đau ốm, dù chỉ là cảm cúm, ho sốt thông thường cũng lên BV huyện khám chữa bệnh.

{keywords}
Được đầu tư mạnh nhân lực, trạm y tế sẽ đông người bệnh

 

Một TYT khác, dù nằm giữa trung tâm TP. Cao Bằng và được trang bị đủ một số phòng chức năng, như: phòng đẻ, phòng xét nghiệm…, là TYT phường Hợp Giang, cũng luôn trong cảnh vắng bệnh nhân. Năm 2017, trạm được giao chỉ tiêu KCB 4.993 lượt, tuy nhiên cả năm mới chỉ có 342 lượt BN đến KCB, đạt 6,8% chỉ tiêu giao. BS. Nông Thị Lan, Trạm trưởng TYT này chia sẻ: Từ khi thông tuyến KCB BHYT, phần lớn người dân chọn đăng ký KCB BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Thành phố và Bệnh viện Y học cổ truyền với lý do những cơ sở này đủ thuốc hơn, đội ngũ y, bác sỹ có chuyên môn cao hơn TYT phường.

Về lý do không chọn TYT, người dân thẳng thắn cho biết họ vượt tuyến vì lo ngại chất lượng khám chữa bệnh.

Đánh giá mới nhất của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 60% số TYT đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và trên 87% TYT có bác sĩ làm việc. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều TYT nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu bác sĩ có chuyên môn sâu.

Cùng với đó, số lượng và chất lượng dịch vụ còn khiêm tốn, danh mục thuốc hạn chế khi TYT xã - phường mới chỉ thực hiện được 50% - 70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc thuộc gói dịch vụ y tế cơ bản.

Sẽ phát triển nguồn nhân lực cho trạm y tế xã

Tại Hội nghị trực tuyến nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, tăng cường năng lực y tế cơ sở diễn ra ngày 14/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vẫn tồn tại một thực tế là người dân chưa tin tưởng TYT xã nên vượt tuyến không cần thiết. Có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. Có 41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT xã.

{keywords}
Đầu tư mạnh nhân lực để trạm y tế đông người bệnh

 

Theo Bộ trưởng, kinh nghiệm các nước và thực tiễn cho thấy, có khoảng 80-90% người dân bị bệnh nhẹ đều có thể được khám và điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Đây là tuyến chăm sóc hiệu quả cho người mắc các bệnh mạn tính, những bệnh nhẹ, tránh tốn kém tiền bạc, tránh bị bệnh nặng mới đi chữa bệnh.

Tuy nhiên tại Việt Nam, hoạt động y tế cơ sở còn chưa thu hút người dân. Trong đó yếu điểm nhất là mạng lưới 11.000 cơ sở y tế nhưng thu hút dân đến chưa cao. “Có địa phương muốn dẹp TYT xã, nhưng không thể dẹp được vì nếu dẹp TYT xã, ai lo tiêm chủng, ai đặt vòng tránh thai, ai chống dịch… chưa kể sau này là các hoạt động vận động người dân làm sao không béo phì, bớt nguy cơ tim mạch, cao huyết áp”, Bộ trưởng Tiến nói.

Hạn chế thứ hai của hệ thống y tế cơ sở, đó là chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, để người dân bệnh nặng mới đi khám. Theo Bộ trưởng, người bệnh vào viện suy tim, mổ tim là đã ngọn. Phải có các hoạt động sàng lọc sớm để phòng bệnh, như tiểu đường, huyết áp, ung thư vú để phát hiện sớm, không xảy ra bệnh nặng.

Các TYT hiện cũng chưa quản lý được bệnh mãn tính, số lượng, chất lượng dịch vụ còn hạn chế cộng với nguồn nhân lực thiếu và yếu. TYT xã chỉ thực hiện được 50-70% các dịch vụ kỹ thuật, khoảng 40% danh mục thuốc theo phân tuyến. Hiện tại, việc quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại y tế cơ sở mới quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp; 28,9% người bệnh đái tháo đường. Vì vậy, Bộ trưởng khẳng định sẽ chuyển thuốc theo danh mục đến TYT để quản lý tốt bệnh mãn tính.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thắn nhìn vào thực tế, nếu để cán bộ y tế suốt đời làm ở TYT xã thì không thể giỏi được. Để phát triển nguồn nhân lực cho TYT xã, Bộ Y tế đề nghị đào tạo trực tuyến 100% TYT xã ngoài các tỉnh điểm. Tập huấn trước mắt 5 ngày về các bệnh không lây nhiễm. Bộ Y tế có trách nhiệm cử cán bộ trung ương về chuyển giao cho huyện, TYT xã giai đoạn này. Các BV tỉnh cũng cần chủ động cử bác sĩ về cầm tay chỉ việc.

Minh Tuấn