- Khoảng 25% nam giới sau 40 tuổi mắc căn bệnh này và tăng lên 50% sau 50 tuổi nhưng ít quý ông để ý khiến chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nỗi niềm khó nói

Bước vào tuổi 48, gần 1 năm nay, anh Tiến Lâm (Long Biên, Hà Nội) không đêm nào ngủ tròn giấc khi đêm nào cũng phải tỉnh giấc đi vệ sinh 5-6 lần.

Anh Lâm cho biết, ban đầu “đổ tội” cho uống nhiều canh nhưng những bữa sau hạn chế rồi cũng không đỡ. Mặc cảm vì nghĩ mình thận yếu, mãi gần đây anh mới đi khám ở phòng khám tư, được kết luận mắc phì đại tuyến tiền liệt.

{keywords}

Phì đại tuyến tiền liệt khiến niệu đạo bị chèn ép gây bí tiểu, tiều nhiều lần và nhiều biến chứng khác khiến sinh hoạt bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Trường hợp của anh Đặng Tiến Đ. (51 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) còn nghiêm trọng hơn. 2 năm nay anh xin khất mọi chuyến công tác chỉ vì dễ… tiểu dầm khi ngủ, đồng thời cũng tách giường luôn với vợ vì mặc cảm, xấu hổ.

Anh Đ. chia sẻ thêm, mỗi lần đi tiểu anh cảm thấy rất khó khăn, rặn cũng không ra hoặc đang tuôn lại đột ngột dừng khiến anh cảm thấy rất khó chịu. Đến khám tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết tuyến tiền liệt của anh đã bị phình to gần 100g.

GS Nguyễn Minh Thông, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, phì đại tuyến tiền liệt là bệnh phổ biến ở nam giới.

Thống kê trên thế giới cho thấy, bệnh này tăng dần theo tuổi tác từ 25% sau 40 tuổi lên 50% sau 50 tuổi và lên tới 70% khi qua 60 tuổi.

Tuyến tiền liệt khi phát triển đầy đủ có kích thước bằng hạt dẻ, nằm trước trực tràng, dưới bàng quang và bao quanh ống niệu đạo, giúp sản sinh một số thành phần của tinh dịch và cung cấp chất dịch để tinh trùng “xuất trận”.

Sau 30 tuổi, kích cỡ tuyến tiền liệt bắt đầu to dần lên, nhưng những biểu hiện bệnh rõ ràng thường bắt đầu sau tuổi 45 do sự nhân lên của các tế bào tuyến khiến mô tuyến tiền liệt phì đại.

GS Thông cho biết, những trườn hợp nhỏ có thể nặng 30-40g nhưng cũng có trường hợp nặng 100g đến hơn 200g, khi đó sẽ chèn ép niệu đạo gây bí tiểu, tiểu nhiều lần.

Khi tiểu không hết thời gian dài, nước tiểu có thể trào ngược lên bàng quang gây suy thận, nhiễm trùng đường tiết niệu hay sỏi bàng quang. Một số trường hợp có thể tiểu ra máu.

Khỏi bệnh nhưng… xuất tinh ngược

GS Thông cho biết, bệnh phì đại tuyến tiền liệt không khó chữa, từ lâu đã được điều trị bằng cách mổ nội soi, tức dùng các kỹ thuật can thiệp khoét, nạo để “khơi thông” dòng chảy.

{keywords}

GS Nguyễn Minh Thông

Tuy nhiên, sau nội soi bệnh nhân sẽ bị xuất tinh ngược, mất khả năng sinh lý.

Qua lời kể của những bác sĩ trực tiếp phẫu thuật nội soi tiền liệt tuyến, đã có không ít bệnh nhân đến bệnh viện “bắt đền” vì  bị “vô dụng” sau phẫu thuật.

Như trường hợp bệnh nhân 55 tuổi tại Ý Yên, Nam Định. Trước phẫu thuật, bệnh nhân này đồng ý mọi giải thích của bác sĩ trước những bí bách, bất tiện trong sinh hoạt. Thậm chí, phẫu thuật xong bệnh nhân này còn gọi điện cảm ơn rối rít vì sau 2 lần khám lại, mọi thứ đã ổn định sau 5 năm bị bệnh đeo bám.

Bẵng một thời gian, bệnh nhân này đến bệnh viện làm um xùm, trách bác sĩ cắt nhầm bộ phận nào đó khiến ông… bất lực với vợ. Các bác sĩ sau đó phải giải thích hơn tiếng đồng hồ, bệnh nhân mới nguôi ngoai ra về.

Theo GS Thông, thực tế những câu chuyện như trên không hiếm, đây cũng là nhược điểm lớn nhất của phương pháp phẫu thuật nội soi phì đại tiền liệt tuyến.

Để khắc phụ hạn chế này, nhiều năm nay thế giới đã áp dụng phương pháp nút mạch, không cần phẫu thuật. Tại Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên nghiên cứu, áp dụng và đã triển khai được gần 2 năm nay cho khoảng 60 bệnh nhân.

“Theo đó các bác sĩ sẽ dùng thuốc giãn mạch trước khi nút động mạch tuyến tiền liệt, giúp kích thước khối phì đại giảm dần mà không cần mổ”, GS Thông chia sẻ.

GS Thông cho biết, thời gian thực hiện phương pháp này chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ, tỉ lệ thành công cao, đặc biệt không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của người bệnh.

Ngoài ra chi phí phương pháp này rất rẻ, người bệnh chỉ mất 10-12 triệu/ca do được BHYT thanh toán một phần.

Tuy nhiên với những bệnh nhân đã từng mổ bằng phương pháp nội soi, việc nút mạch không có nhiều tác dụng do các tổ chức đã xơ cứng.

GS Thông cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chuyển giao kĩ thuật này cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

T.Hạnh