- Khi không thấy con gái 10 tháng tuổi đâu, người bố vội đi tìm thì thấy bé ngã úp mặt vào chậu nước trong nhà.

Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) kể, khi bế bé lên, ông bố thấy con đã ngưng tim, ngưng thở nên cũng đã hồi sức trong thời gian đưa tới bệnh viện.

Tuy nhiên, 25 phút sau mới tới được bệnh viện Hóc Môn. Các bác sĩ cũng nhanh chóng hồi sức bằng cách ấn tim, đặt nội khí quản và chuyển lên Nhi Đồng 1.

{keywords}
Rất nhiều trường hợp trẻ ngã vào chậu nước tử vong

Khi vào tới khoa cấp cứu, bé có dấu hiệu trụy mạch, đồng tử giãn, chứng tỏ thiếu oxy não rất nặng - BS Phương nói và cho biết, bệnh nhi được chuyển lên khoa Hồi sức nhưng cũng tử vong 2 ngày sau đó.

Đây thực sự là trường hợp tử vong rất đáng tiếc. Dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng do bé bị ngạt nước quá lâu, đã qua “thời gian vàng” - sơ cứu trong 4 phút sau khi bé gặp sự cố, nên không thể cứu được nữa - Trưởng khoa cấp cứu chia sẻ.

Theo BS Phương, sau 4 phút nếu không được sơ cứu đúng cách, sẽ để lại di chứng nặng nề do não thiếu ôxy. Và quá 10 phút, bé dễ tử vong.

Đối với những trẻ đang chập chững tập đi, bố mẹ phải chú ý cất cẩn thận các chậu nước, lu nước. Dù đã có nhiều cảnh báo về các trường hợp bé tử vong do ngạt nước ngay trong nhà, nhưng các phụ huynh vẫn tỏ ra thờ ơ - vẫn lời BS Huỳnh Tấn Phương.

Cách hồi sức hiệu quả

Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, khi bị ngạt nước, trẻ bị ngưng tim ngưng thở, cần phải ấn tim như lúc tim còn đập. Đó là tần số phải đủ, với 100 lần/phút và ấn đúng vị trí, đúng chiều sâu, tránh tai biến.

Muốn kiểm tra ấn tim có hiệu quả hay không, thì khi ấn tim mình sẽ bắt mạch trung tâm (ở bẹn, ở nách) xem có nẩy hay không, nếu nẩy chứng tỏ có hiệu quả.

{keywords}
Muốn sơ cứu hiệu quả cho trẻ, bố mẹ cần nắm vững kiến thức

Dùng lực bên ngoài tác động vào tim thì tim mới tống máu đi nuôi các cơ quan được - BS Phương nói và thông tin, nếu ấn quá mạnh, quá sâu dễ gãy xương sườn, còn quá nhẹ lại không hiệu quả.

Tiếp đến là hà hơi thổi ngạt, giúp thông khí tốt cho trẻ, thì phải để trẻ nằm ở vị trí hơi ngửa đầu lên. Mục đích là đem khí vào phổi và làm tim đập, có sự trao đổi khí, máu đi nuôi cơ quan.

Theo BS Phương, tùy theo lứa tuổi mà áp dụng cách sơ cứu phù hợp. Phụ huynh nên tìm hiểu kỹ, để khi sơ cứu mang lại hiệu quả cao.

Thạch Quý