Trước thực trạng thiếu vi chất trầm trọng, đặc biệt ở phụ nữ và trẻ em, Bộ Y tế đang xây dựng nghị định bổ sung vitamin A vào dầu ăn, iốt vào muối, sắt vào xì dầu, riêng nước mắm và bột mì có cả sắt và kẽm.

Bữa ăn ‘đói’ vi chất dinh dưỡng của người Việt

Đa phần người Việt đều “đói” ít nhất một vi chất dinh dưỡng. Đây là chia sẻ của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) về tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở Việt Nam, đặc biệt là tình trạng thiếu vitamin A, sắt, kẽm và thiếu canxi.

Hiện Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách 19 nước có tình trạng thiếu vitamin A ở mức độ nặng do có tới 14,2% trẻ dưới 5 tuổi thiếu vitamin A tiền lâm sàng. Điều tra toàn quốc gần đây cũng cho thấy 36% phụ nữ có thai và 29% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu máu.

Điều đáng nói tình trạng này xảy ra ngay ở các khu vực thành thị, nơi bữa ăn đã được cải thiện nhiều về mặt chất lượng. Lý giải điều này, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay chính là thói quen “thích gì ăn nấy” mà không biết mình cần bổ sung gì.

Trong khi đó, việc thiếu vi chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đối với sức khỏe, tới phát triển thể chất, trí tuệ. Theo Bộ Y tế, thiếu i-ốt liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…

Còn thiếu vitamin A tiền lâm sàng được xác nhận là nguyên nhân làm tăng cao tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và làm chậm phát triển ở trẻ em. Thiếu máu thiếu sắt làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong đối với bà mẹ mang thai, giảm khả năng lao động và giảm phát triển trí tuệ ở trẻ em.

Kết quả điều tra dinh dưỡng ở 6 tỉnh, thành cũng cho thấy tỉ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai là 90% và ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 81%, trong khi kẽm lại rất cần cho quá trình tăng trưởng, giúp hạn chế mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm đường hô hấp), giảm các biến chứng thai nghén.

‘Chuẩn’ dinh dưỡng cho nhiều loại thực phẩm

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đang xây dựng những nội dung chính cho dự thảo Nghị định quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Dự thảo này hướng đến việc chủ động đưa thêm một hay nhiều vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm với hàm lượng nhất định mà cơ thể cần để phòng ngừa, khắc phục tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe cộng đồng.

{keywords}
Ảnh minh họa

Theo dự thảo, 4 vi chất dinh dưỡng bắt buộc tăng cường vào thực phẩm bao gồm: Iốt; sắt; kẽm; vitamin A. Hàm lượng vi chất dinh dưỡng theo quy định trên được tăng cường vào thực phẩm phải đạt yêu cầu về chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Cụ thể, theo dự thảo các thực phẩm sau đây sẽ buộc phải tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng:

- Muối dùng để ăn trực tiếp hoặc là nguyên liệu sản xuất thực phẩm, bao gồm cả sản xuất bột canh, hạt nêm, nước mắm và các gia vị mặn khác phải tăng cường iốt.

- Bột mỳ làm nguyên liệu sản xuất thực phẩm phải tăng cường sắt và kẽm

- Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu mè và dầu lạc phải tăng cường vitamin A

- Nước mắm và xì dầu (nước tương) dùng ăn trực tiếp hoặc là nguyên liệu sản xuất thực phẩm phải tăng cường sắt.

Căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước theo từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ soát xét và bổ sung thêm các thực phẩm phải tăng cường vi chất dinh dưỡng khi có đầy đủ báo cáo đánh giá và bằng chứng về sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào danh sách trên.

Dự thảo nêu rõ, bắt buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm phải tăng cường 4 vi chất dinh dưỡng trên vào thực phẩm theo quy định. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc Danh mục được phép bổ sung vào thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

D. An (tổng hợp)