Đây là kết quả tiền kiểm và kiểm tra thuốc đang lưu hành trên thị trường trong hơn một năm qua của Cục Quản lý Dược. Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Việt Nam được Tổ chức y tế thế giới đánh giá có hệ thống kiểm soát chất lượng thuốc tốt.

Ông Cường cho biết: “Kết quả kể trên là tổng hòa các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn của Cục Quản lý Dược trên một cái nền về kiểm soát chung. Tuy nhiên, đây là hoạt động thường quy để kéo tỷ lệ thuốc kém chất lượng giảm đi. Trước đây chúng tôi chỉ quan tâm thông báo ngành dọc từ bệnh viện, sở, doanh nghiệp, viện, đến nơi kinh doanh bán lẻ thuốc. Gần đây, sau khi đồng chí Bộ trưởng đưa ra chủ trương truyền thông đi trước một bước, chúng tôi quan tâm và nhận được sự tham gia sâu rộng, hợp tác chặt chẽ của cơ quan báo đài, giúp thông tin đi ra chiều rộng, đến tận người dân.

Tỉ lệ thuốc giả, kém chất lượng tiếp tục giảm theo mục tiêu đề ra: Năm 2010 tỉ lệ thuốc giả là 0,1%, năm nay là 0.02%. Thuốc kém chất lượng năm 2010 là 3%, năm nay là 2.8%. Với sự tham gia tích cực của hệ thống giám sát chất lượng và biện pháp quyết liệt, tiếp tục duy trì, sang năm tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục giảm”.

- Ông lý giải thế nào về việc trong số thuốc kém chất lượng thì thuốc Ấn Độ đầu bảng? Có vấn đề gì đến chất lượng thuốc Ấn Độ được cho phép lưu hành ở Việt Nam?

Thực ra vừa rồi chúng tôi xử phạt thuốc vi phạm thì có đủ thuốc nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp… Việc tại sao có nhiều thuốc Ấn Độ trong danh sách xử phạt, có thể hiểu thế này: Ấn Độ là nước có số lượng nhà sản xuất dược phẩm rất lớn, có nền sản xuất nguyên liệu làm thuốc phát triển và đa dạng, do vậy có nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc xuất khẩu thuốc nguyên liệu và thuốc thành phẩm sang các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với số lượng lớn thuốc của các nhà sản xuất Ấn Độ lưu hành trên thị trường như vậy, thì tỷ lệ thuốc kém chất lượng nhiều hơn các nước khác là không tránh khỏi.

- Trong danh sách thuốc nội địa, có rất nhiều thuốc trùng lặp. Khi nào sẽ dứt điểm việc sản xuất trùng lặp các loại thuốc đơn giản, gây lãng phí, thưa ông?

Câu hỏi này rất phù hợp với băn khoăn của cơ quan quản lý. Hiện nay có tình trạng trùng lặp thuốc, đặc biệt là các loại hạ nhiệt giảm đau. Đây là bài toán cần phối hợp chặt chẽ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội, mình không thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm họ sản xuất được. Tuy nhiên, trong quy chế đăng ký thuốc mới được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn ký ban hành, tới đây sẽ không cho phép đăng ký các thuốc có cùng hoạt chất, hàm lượng, đường dùng của cùng một nhà sản xuất, điều này để tránh quá tải đăng ký thuốc và gây lãng phí, để các doanh nghiệp đầu tư công sức sản xuất các mặt hàng mới có cơ hội xâm nhập thị trường.

- Tại hội nghị triển khai chiến lược phát triển ngành dược mới đây, ông có nói tới đây khi phát hiện thuốc kém chất lượng, đơn vị sản xuất thuốc kém chất lượng phải bồi hoàn. Việc này thực thi cụ thể như thế nào?

Luật quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa đã đưa ra quy định đơn vị nào gây ra thiệt hại phải bồi thường. Người dân, bệnh nhân phải chủ động khiếu kiện nếu mua phải thuốc kém chất lượng, cơ quan quản lý chúng tôi sẽ đưa ra văn bản hướng dẫn riêng với mặt hàng thuốc. Còn hiện nay thì Luật đã có, người dân toàn quyền có quyền đòi hỏi quyền lợi. Chúng tôi cũng không yêu cầu, không có quy định người dân phải báo cáo việc này, nó thuộc về mặt dân sự.

Minh Tuấn