- Ung thư tinh hoàn có khả năng chữa khỏi rất cao. Việc lựa chọn phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư, tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Có thể lựa chọn các phương pháp điều trị như phẫu thuật cắt bỏ, chiếu xạ...

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt tinh hoàn qua đường bẹn là một phẫu thuật triệt để. Bệnh nhân có thể lo lắng là mất tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục của họ hoặc gây vô sinh. Tuy nhiên, nam giới còn một bên tinh hoàn bình thường vẫn có thể có khả năng cương và sản xuất tinh dịch bình thường. 

Do đó, phẫu thuật cắt một bên tinh hoàn không làm bệnh nhân bị liệt dương và hiếm khi ảnh hưởng đến khả năng sinh con. Bệnh nhân cũng có thể cấy tình hoàn nhân tạo vào trong bìu. Vật cấy có trọng lượng tương đương và giúp bệnh nhân có cảm giác bình thường.

Một số hạch nằm sâu trong ổ bụng cũng có thể được vét bỏ. Phẫu thuật này không ảnh hưởng đến khả năng cương hoặc đạt cực khoái, nhưng có thể gây vô sinh vì ảnh hưởng đến sự phóng tinh. Bệnh nhân có thể muốn trao đổi với bác sĩ về khả năng vét hạch bằng kỹ thuật phẫu thuật bảo tồn dây thần kinh đặc biệt giúp bảo vệ khả năng phóng tinh bình thường.

{keywords}

Chiếu xạ (xạ trị)

Chiếu xạ sử dụng các tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và làm co nhỏ khối u. Chiếu xạ là một phương pháp điều trị tại chỗ và chỉ ảnh hưởng tới tế bào ung thư trong vùng được điều trị. Nguồn tia được phát ra từ một máy ở ngoài cơ thể (chiếu xạ ngoài) và thường nhằm vào các hạch trong ổ bụng, u tinh thường rất nhạy với tia xạ. 

Ung thư tinh hoàn không phải u tinh ít nhạy với tia xạ nên bệnh nhân có loại ung thư này thường không được điều trị bằng chiếu xạ. Chiếu xạ ảnh hưởng tới cả tế bào thường và tế bào ung thư. Tác dụng phụ của chiếu xạ chủ yếu phụ thuộc vào liều điều trị. 

Tác dụng phụ thường gặp gồm có mệt mỏi, thay đổi ngoài da vùng chiếu tia, mất cảm giác ngon miệng và đi ngoài lỏng. Chiếu xạ can thiệp vào quá trình sản xuất tinh dịch, nhưng hầu hết bệnh nhân khôi phục được khả năng sinh con trong một vài tháng. 

Hóa trị

Hóa trị là dùng thuốc tiêu diệt tế bào ung trên toàn bộ cơ thể. Hóa chất được dùng bổ trợ để tiêu diệt tế bào ung thư có thể còn lưu lại trong cơ thể sau khi phẫu thuật. Hóa chất có thể là biện pháp điều trị ngay từ ban đầu nếu ung thư ở giai đoạn muộn, có nghĩa là khi ung thư đã lan ra ngoài tinh hoàn. 

Hầu hết các thuốc điều trị ung thư đều được tiêm vào tĩnh mạch. Thuốc đi qua đường máu và tác dụng lên cả tế bào bình thường và cả tế bào ung thư trong cơ thể. 

Tác dụng phụ chủ yếu phụ thuộc vào loại thuốc và liều dùng. Các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, rụng tóc, mệt mỏi, đi ngoài lỏng, nôn, sốt, rét run, ho/khó thở, đau miệng, ban ngoài da. Các tác dụng thường gặp khác gồm chóng mặt, tê bì, mất phản xạ hoặc nặng tai.

Một số thuốc điều trị ung thư ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh dịch. Một số bệnh nhân bị gìảm lượng tinh dịch vĩnh viễn, nhưng nhiều bệnh nhân hồi phục được khả năng sinh con.

Bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn cần thảo luận với bác sĩ những vấn đề liên quan đến chức năng tình dục và sinh đẻ. Nếu việc điều trị bệnh có thể dẫn đến hậu quả vô sinh, bệnh nhân có thể tìm hiểu về việc lưu giữ tinh trùng để có thể có con về sau.

Trên đây là một vài gợi ý về các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay cho bệnh ung thư tinh hoàn mà bạn nên hiểu rõ.

Thái Thị Hậu