- Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm và khá phổ biến đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Tỉ lệ tử vong cao ở giai đoạn muộn khiến cho ung thư cổ tử cung trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ. Việc tiêm vắc xin ngừa nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung đang được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết một cách cặn kẽ về vấn đề tiêm vắc xin ngừa nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung. Vậy, có những loại vắc xin nào và tiêm vắc xin ở thời điểm nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Thực ra, hiện nay mới chỉ có vắc xin phòng lây nhiễm virut HPV. Tuy nhiên, việc phòng ngừa loại virut nguy hiểm này sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cho chị em phụ nữ. Bởi theo nghiên cứu, 99,7% người mắc ung thư cổ tử cùng có sự hiện diện của virut HPV.

tiem vacxinphong ngua ung thu co tu cung

Hiện có hai loại vắc xin phòng ngừa lây nhiễm HPV thuộc các týp nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung.

Loại vắc xin Cervarix giúp phòng ngừa virut HPV týp 16 và 18. Đây là hai týp HPV chiếm 70% ung thư cổ tử cung.

Loại vắc xin thứ hai là Gardasil có khả năng phòng ngừa virut HPV týp 6, 11 (gây bệnh sùi mào gà) và týp 16, 18.

Phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi chưa quan hệ tình dục lần đầu, chưa có con có thể tiêm phòng hai loại vắc xin kể trên. Đây là thời điểm việc tiêm vắc xin đạt hiệu quả cao nhất.

Những phụ nữ dưới 40 tuổi đã quan hệ tình dục và đã có con vẫn có thể tiêm phòng HPV nhưng hiệu quả của vắc xin không đạt như mong muốn. Tuy nhiên, chị em vẫn có thể tiêm phòng virut HPV để phòng tránh nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Chị em phụ nữ nên tiêm đủ 3 mũi phòng virut HPV. Với vắc xin Cervarix, lịch tiêm là 0, 1 và 6 tháng; với vắc xin Gardasil lịch tiêm là 0, 2, 6 tháng. Kết quả phòng ngừa sẽ kéo dài sau khi tiêm ba mũi vắc xin kể trên. Hiện chưa có khuyến cáo phải tiêm nhắc lại sau khi đã hoàn thành đủ 3 mũi.

Trong trường hợp đang trong quá trình tiêm vắc xin phòng HPV mà có thai cần dừng tiêm đến khi sinh xong mới tiêm mũi tiếp theo. Tuy nhiên, thời gian hoàn tất ba mũi tiêm không được quá 2 năm.

Thực tế, vắc xin phòng HPV có thể gây một số phản ứng phụ như sưng, đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ... Những tác dụng phụ này thường chỉ thoáng qua. Một số tác dụng phụ hiếm gặp khác như ngất xỉu, nhức đầu, viêm tủy... rất hiếm gặp.

Việc tiêm phòng vắc xin không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Chị em phụ nữ cần xây dựng cho mình một cuộc sống tình dục lành mạnh, duy trì luyện tập thể dục thể thao, bổ sung chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Đặc biệt, chị em phụ nữ vẫn cần khám định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các triệu chứng của các loại bệnh phụ khoa trong đó ung thư cổ tử cung.

Nguyễn Quốc Khánh