- Phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn muộn, tái phát nhiều lần, di căn cả vào xương, não nhưng gần 5 năm qua, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng vẫn làm việc bình thường.

PGS Đỗ Quốc Hùng, 62 tuổi nguyên là Trưởng phòng C7, Viện Tim mạch quốc gia. Dù ngừng làm quản lý hơn 1 năm nay nhưng hàng ngày ông vẫn đều đặn đến bệnh viện làm việc.

Trong hành trình chiến thắng ung thư, PGS Hùng đã đúc kết ra nhiều bài học để các bệnh nhân khác có thể học hỏi, áp dụng.

Phát hiện ung thư sau đợt ho kéo dài

PGS Hùng kể, sau Tết Nguyên đán 2012, ông đột nhiên bị ho kéo dài 3-4 tuần, uống kháng sinh cũng không đỡ.

 

{keywords}

PGS Đỗ Quốc Hùng vẫn hàng ngày đến viện làm việc sau gần 5 năm mắc ung thư phổi giai đoạn cuối

Ông tự mình đi chụp XQ tim, phổi, kết quả hết sức ngỡ ngàng khi các bác sĩ phát hiện trong phổi có một khối u lớn.

Để khẳng định chắc chắn, PGS Hùng tiếp tục được làm các xét nghiệm chẩn đoán khác, như chụp CT ngực, làm các xét nghiệm máu.... Đặc biệt ông được chỉ định chụp PET/CT toàn thân, sinh thiết xuyên thành ngực vào khối u để tìm tế bào ác tính. 

Kết luận ông được chẩn đoán ung thư phổi không phải tế bào nhỏ đã ở giai đoạn muộn 4b, di căn hạch, di căn xương nhiều ổ ở cột sống, xương sườn... 

Người nhà khi hay tin rất sốc, riêng PGS Hùng bình tĩnh đón nhận. Nhiều người khuyên ông nên sang Singapore điều trị nhưng ông kiên quyết ở lại trong nước vì tin vào tay nghề của đồng nghiệp.

Để có hướng điều trị đúng, một hội đồng các giáo sư đầu ngành toàn bệnh viện Bạch Mai với các chuyên khoa hô hấp, ung bướu, tim mạch, ngoại khoa, giải phẫu bệnh... do trực tiếp PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện chủ trì đã cùng ngồi lại để hội chẩn.

Ngay sau đó, ông đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai để đều trị. GS Mai Trọng Khoa, giám đốc trung tâm là người trực tiếp chỉ đạo và lập phác đồ.

Do khối u đã di căn nhiều nơi, không thể can thiệp phẫu thuật, PGS Hùng bắt đầu được điều trị hoá chất 3 đợt từ tháng 5/2012. Phác đồ được tính toán kĩ, có sự tham vấn của đồng nghiệp tại nước ngoài và dùng thêm thuốc nhắm trúng đích.

 

Sau 6 tháng điều trị, ông được chụp PET/CT để kiểm tra đánh giá hiệu quả điều trị. Kết quả thật bất ngờ khối u đã biến mất gần hết, PGS Hùng quay trở lại làm việc bình thường.

3 lần tái phát

Lần đầu tiên di căn vào hệ thống xương và hạch, 2,5 năm sau, khối u bất ngờ di căn sang xương chậu khiến PGS Hùng đau đớn không thể ngủ, phải ngồi xe lăn. Các bác sĩ xác định nguyên nhân do kháng thuốc nhắm trúng đích và tiếp tục đổi phác đồ hoá, xạ trị mới cho PGS Hùng ở cả vị trí cũ và mới.

Mới nhất vào năm 2015, khối u tiếp tục tái phát, di căn vào não.

“Tôi chỉ thấy mắt trái cứ mờ dần mà không hề có bất kỳ biểu hiện đau đớn nào. Đi khám mắt, bác sĩ phát hiện bị bong võng mạc do một khối sau nhãn cầu đè vào gây phù nề. Khi chụp PET/CT, MRI sọ não thì khối u trong não đã to như quả trứng với kích thước 3x4cm”, PGS Hùng kể.

Trên lí thuyết, với những bệnh nhân ung thư phổi đã có di căn hạch, di căn xương nhiều vị trí, đặc biệt di căn lên não (không mổ được), nếu không được điều trị triệt để, thời gian sống rất ngắn.

Tuy nhiên nhờ sự tiến bộ của kĩ thuật, PGS Hùng sau đó đã được xạ phẫu cắt nhỏ khối u bằng dao gamma quay kết hợp truyền một đợt hoá chất mới và dùng thuốc nhắm trúng đích mới.

Từ đó đến nay, các tổn thương đã biến mất, PGS Hùng quay trở lại với công việc tại Viện tim mạch, hàng ngày uống thuốc và thực phẩm chức năng đều đặn.

Với những bệnh nhân ung thư, trường hợp sống sót sau 5 năm phát hiện đã được coi là khỏi bệnh.

PGS Hùng cho rằng, quá trình điều trị ung thư của bản thân thành công do Việt Nam hiện đã hoàn toàn cập nhật những tiến bộ mới nhất của y học trong điều trị ung thư như PET/CT, xạ trị điều biến liều, xạ phẫu bằng dao gamma...

“PET/CT ở ngoài Bắc mới có 4 bệnh viện. Đây là kĩ thuật giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí khối u lan toả theo không gian 3 chiều, sử dụng hình ảnh đó để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị nên không lo xạ sai chỗ. Sau mỗi liệu trình điều trị, bệnh nhân cũng sẽ phải kiểm tra PET một lần nữa để phát hiện còn tế bào ung thư hay không”, PGS Hùng chia sẻ.

Theo PGS Hùng, những kĩ thuật này Việt Nam đã áp dụng rất tốt, nên sau khi ra nước ngoài tham khảo, ông đã quay trở về Việt Nam điều trị khi biết chi phí trong nước rẻ bằng 1/10.

“Các bệnh nhân ung thư ở Việt Nam nên ở lại trong nước điều trị. Tôi biết có những bệnh nhân sang Singapore chữa hết 8 tỉ đồng vẫn không ăn thua, tiền gửi sang không kịp. Ở nước ngoài dịch vụ có thể tốt hơn, nhưng các kĩ thuật cũng tương tự”, PGS Hùng đưa ra lời khuyên.

Thúy Hạnh

Bài 2: Bí quyết của bác sĩ thổi bay ung thư phổi