Hôm 7/2, Triều Tiên tuyên bố phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh vào vũ trụ.

{keywords} 

Bình Nhưỡng nói rằng vụ thử nghiệm là một phần trong chương trình không gian hòa bình.

Theo Business Insider, nhiều nhà phân tích nhận định, Triều Tiên đã có thể phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa, dưới danh nghĩa là đưa vệ tinh vào vũ trụ.

Trên tờ Daily Beast, học giả Gordon Chang lưu ý rằng hệ thống vệ tinh mà Triều Tiên vừa phóng vào không gian có trọng lượng tương đương một đầu đạn hạt nhân.

Trước đó đúng một tháng, Bình Nhưỡng tuyên bố cho phát nổ bom nhiệt hạch, dù giới quan sát nghĩ rằng đây thực chất chỉ là vụ thử bom hạt nhân thông thường.

Điều khiến nhiều giới chức Mỹ quan ngại nhất chính là tầm bắn của các tên lửa này.

Theo Quỹ Heritage, loại tên lửa Taepodong 3 mới của Triều Tiên có tầm bắn khoảng 13.000 km.

Nếu điều này là thật thì tên lửa này có thể bắn tới khắp mọi nơi trên toàn bộ lục địa Mỹ.

Nếu Bình Nhưỡng có thể đặt đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên tên lửa Taepodong, và bắn tới Mỹ, thì nó có thể gây ra phá hủy nghiêm trọng cho Mỹ.

“Nếu đầu đạn tên lửa là hạt nhân và nổ ngay trên bầu trời của Mỹ, thì đám mây điện từ có thể gây tê liệt cho hệ thống điện trên diện rộng của nước Mỹ” – ông Chang viết.

Theo tờ Guardian, tháng 10/2015, Tư lệnh Bill Gortney, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, cũng nhận định rằng “tên lửa Triều Tiên có thể mang đầu đạn hạt nhân tới đất Mỹ”.

Trong một cuộc họp báo hồi tháng 4/2015, ông Gortney cũng cảnh báo Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ đầu đạn hạt nhân và lắp vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08.

Nhưng cũng chính ông Gortney đã loại trừ mối đe dọa này, và nói rằng ông tin rằng Mỹ ‘có thể hạ gục’ các mối đe dọa tương tự.

Đáp lại các thách thức như vậy, Mỹ đã nhất trí triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Hệ thống này có thể hạ gục mọi tên lửa của đối phương ngay trên trời, hạn chế khả năng sử dụng bất kỳ tên lửa tầm xa nào của Triều Tiên.

Lê Thu