14 năm qua, từ khi Mỹ tuyên bố "cuộc chiến chống khủng bố", thế giới vẫn chưa có chiến thắng nào thực sự. Trong khi, tổn thất về người và của lớn hơn bao giờ hết.

TIN BÀI KHÁC:


Báo Business Insider liệt kê các số liệu mới nhất của Chỉ số Khủng bố Toàn cầu, được Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) công bố ngày 17/11.

{keywords}
IS đã chiếm nhiều vùng đất rộng lớn ở Iraq và Syria, gieo rắc nỗi khiếp đảm ở những nơi chúng tràn qua. (Ảnh: AP)

Dựa trên dữ liệu của Tổ hợp quốc gia về Nghiên cứu Khủng bố và các phản ứng về Khủng bố thuộc Đại học Maryland, chỉ số trên tổng kết tổn thất do khủng bố gây ra về nhân mạng và tài chính lên tới "đỉnh điểm cao nhất" trong năm 2014.

Tự thân các con số đã nói lên tất cả: 32.658 người thiệt mạng vì khủng bố trong năm 2014 so với 18.111 người năm 2013 - tăng 80%. Tính chung, số người tử vong tăng 9 lần kể từ năm 2000. Thiệt hại về tiền của ước tính là 52,9 tỷ USD, tăng 10 lần trong thập niên qua.

Theo Tiến sĩ Erin Miller, nhà quản lý Dữ liệu Khủng bố Toàn cầu của Đại học Maryland, thực trạng số vụ khủng bố tăng vọt có liên quan đến sự lan rộng của những cuộc xung đột dính đến các chủ thể phi nhà nước. Bà giải thích, mức tăng 80% thực ra tập trung vào một số tổ chức và ở một số khu vực nhất định trên thế giới.

Báo cáo của IEP cho thấy, hai nhóm IS và Boko Haram phải chịu trách nhiệm với 51% tổng số người chết do khủng bố. Các vụ giết chóc liên quan đến khủng bố ở Afghanistan, Iraq, Nigeria, Pakistan và Syria chiếm gần 78% số các trường hợp thiệt mạng năm 2014.

Iraq vẫn đứng đầu bảng, với 9.929 người chết trong năm ngoái, nhiều nhất ở một quốc gia đơn lẻ. Nigeria chứng kiến một mức tăng cao nhất về các hoạt động khủng bố, với số người chết có liên quan tăng gấp 3 kể từ năm 2013.

Mặc dù vậy, xu hướng tăng cũng có thể thấy rõ trên toàn cầu. Số quốc gia bị mất hơn 500 người hoặc gấp đôi vì khủng bố, tăng từ 5 nước năm 2013 lên 11 nước năm 2014.

Chỉ số khủng bố toàn cầu còn bao gồm những phân tích kỹ lưỡng về thiệt hại do khủng bố gây ra. Con số 52,9 tỷ USD tổn thất kinh tế trong năm qua phản ánh thiệt hại về tài sản, chi phí y tế và mất thu nhập. Con số này không tính đến các nguồn lực đã chi cho chiến đấu chống khủng bố, vốn đã tăng 61% từ năm 2013 và 2014.

Sau loạt vụ tấn công dẫm máu ở Paris tối ngày 13/11, một điều chắc chắn là xu hướng chẳng ai mong muốn trên sẽ tiếp diễn.

Thanh Hảo