Thái Lan bắt giữ ba nghi phạm liên quan tới vụ đánh bom tại Bangkok, Trung Quốc cắt giảm quân đội thường trực, ảnh em bé Syria tử nạn gây chấn động… là những tin nóng 24 giờ qua.

Tin nổi bật

Một người đàn ông Thái Lan theo đạo Hồi đã bị bắt tại tỉnh Narathiwat và được đưa tới Bangkok để thẩm vấn vì nghi ngờ có liên quan tới vụ đánh bom hôm 17/8.

{keywords}

Kamarudeng Sahokhi bị bắt.

 

Kamarudeng Saho (38 tuổi), ở Pasemat, huyện Sungai Kolok, đã bị một đơn vị an ninh địa phương bắt giữ tại nhà riêng hôm 1/9. Anh ta đã được đưa tới Bangkok bằng trực thăng và bị tạm giam tại một căn cứ quân sự.

Phát ngôn viên Cảnh sát Thái Lan Prawut Thawornsiri xác nhận việc bắt giữ Saho. Nghi phạm bị cho là đã liên lạc qua điện thoại với nữ nghi phạm Wanna Suansan. Wanna cũng là nữ nghi phạm duy nhất trong vụ đánh bom.

Nhà chức trách Thái Lan đã phát lệnh truy nã vợ chồng nữ nghi phạm này. Cả hai được cho là đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Cùng lúc, cơ quan điều tra cho biết nghi can thứ hai bị bắt mới đây đã mang theo một mảnh giấy có viết công thức hóa học được sử dụng để chế tạo bom.

Cảnh sát Thái Lan tin rằng công thức viết trên tờ giấy là dựa trên acetone, một chất dễ bay hơi và dễ cháy.

“Bạn có thể dễ dàng có được các hợp chất hóa học này một cách hợp pháp ở bất cứ nơi nào, nhưng khi bạn kết hợp chúng với nhau, chúng có thể trở thành một chất hóa học dễ bắt lửa và có thể phát triển thành ngòi nổ” - ông Prawut nói.

Phát ngôn viên cảnh sát Thái Lan nói thêm: “Công thức này cũng có thể được sử dụng để mở rộng bán kính của quả bom. Nó có thể được sử dụng cho cả hai vụ đánh bom. Nhưng khi quả bom phát nổ, nguyên tố hóa học này (nếu có trong quả bom) sẽ biến mất ngay lập tức”.

Dấu vân tay lấy từ chất liệu chế tạo bom được phát hiện tại một căn hộ ở Bangkok cuối tuần qua cũng trùng khớp với vân tay của nghi can bị bắt thứ hai.

Trước đó, nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ một người đàn ông nước ngoài tại một trạm kiểm soát ở biên giới với Campuchia, được cho là nghi phạm chính trong vụ đánh bom trên.

Tin vắn

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo nước này sẽ hoàn thành việc cắt giảm 300.000 quân thường trực vào cuối năm 2017, chủ yếu là nhân viên hành chính và lực lượng không tham gia chiến đấu; quyết định này phù hợp với tình hình hiện nay của nhà nước cũng như quân đội Trung Quốc, theo đó các lực lượng vũ trang sẽ giảm quân số song sẽ được bố trí khoa học hơn.

Đài Loan (Trung Quốc) đã quyết định chi 3 tỷ Đài tệ (92,55 triệu USD) để thực hiện chương trình tự đóng tàu ngầm chạy bằng điện-diesel trong vòng 4 năm. Kế hoạch này bắt đầu được triển khai từ năm tới.

Thượng viện Tây Ban Nha ngày 3/9 đã thông qua việc thành lập một lực lượng thường trực gồm 2.200 lính thủy đánh bộ Mỹ đóng căn cứ ở miền Nam Tây Ban Nha. Lực lượng này sẽ có khả năng triển khai nhanh chóng tới các khu vực khủng hoảng ở châu Phi.

Hơn 1.500 chiếc máy kéo do nông dân điều khiển đến từ nhiều địa phương trên toàn nước Pháp đã đổ về Paris qua cửa ngõ Vincennes ở phía Đông để biểu tình gây sức ép yêu cầu chính phủ Pháp phải có biện pháp hỗ trợ nông dân trong các lĩnh vực sản xuất sữa và chăn nuôi gia súc.

Mỹ quyết định trừng phạt đối với 5 công ty của Nga trong đó có Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport do cáo buộc nghi ngờ bán thiết bị và kỹ thuật phát triển tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) cho Triều Tiên.

Tổng thống Guatemala Otto Perez tuyên bố sẽ từ chức, sau khi Quốc hội nước này tước quyền miễn trừ đối với ông liên quan tới những cáo buộc tham nhũng.

Hơn 40 chuyến bay bị hoãn và hàng ngàn hành khách phải sơ tán tại sân bay quốc tế Domodedovo của Moscow (Nga) sau khi hỏa hoạn bùng phát ở khu vực hành lý. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân hỏa hoạn có thể do chập điện.

Lầu Năm Góc hôm 3/9 thông báo, 5 tàu Hải quân Trung Quốc đã hoạt động ở vùng biển quốc tế thuộc Biển Bering ngoài khơi Alaska.

Một chiếc máy bay số hiệu MH19 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã buộc phải hạ cánh khẩn xuống miền Đông Ấn Độ sáng 3/9 vì hỏng toàn bộ nhà vệ sinh trên máy bay.

Giới chức hàng hải Malaysia ngày 3/9 cho biết một thuyền chở khoảng 100 người đã bị lật ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Malaysia, gần eo biển Malacca.

Thông tin trong ảnh

{keywords}

Cậu bé tên là Aylan Kurdi, nằm trong nhóm 23 người di cư đã ra khơi trên 2 con thuyền nhỏ, đi từ bán đảo Bodrum của Thổ Nhĩ Kỳ, với hy vọng sẽ tới đảo Kos của Hy Lạp. Thi thể cậu bé, với mặc chiếc áo phông màu đỏ sáng và quần soóc màu xanh, được phát hiện đang nằm úp mặt trên bãi biển, gần thị trấn nghỉ dưỡng Bodrum, cách thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hơn 300km. Bé Galip 5 tuổi, anh của Kurdi, cũng thiệt mạng trong chuyến đi này.

Bức ảnh Kurdi nằm bên bờ biển đã khiến cả thế giới bàng hoàng và 'câm lặng' trước cuộc khủng hoảng di cư. Hàng loạt tờ báo của Anh đều đăng tải hình ảnh này. Tờ Independent đăng tải bài viết với tiêu đề 'Cuối cùng thì truyền thông của Anh cũng có lương tri'.

Phát ngôn ấn tượng

Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng ông 'xúc động sâu sắc' trước cái chết của em bé Aylan Kurdi và sẽ thực hiện 'các trách nhiệm đạo đức' của Anh đối với vấn đề người nhập cư.

Trước đó, Thủ tướng Anh David Cameron vẫn không muốn thay đổi chính sách khi chỉ tiếp nhận vài trăm người tị nạn. “Tôi không nghĩ rằng, câu trả lời chỉ đơn giản là chấp nhận thêm ngày càng nhiều người tị nạn” - ông Cameron nói.

Sự kiện

4/9/476 – Hoàng đế Tây La Mã cuối cùng là Romulus Augustus bị tướng Odoacer phế truất.

4/9/1781 – Một nhóm gồm 44 người định cư Tây Ban Nha thành lập một thị trấn là tiền thân của thành phố Los Angeles.

4/9/1998 – Larry Page và Sergey Brin thành lập Google nhằm thúc đẩy công cụ tìm kiếm web mà họ phát triển từ khi còn là sinh viên Đại học Stanford.

Lê Thu