Trang WikiLeaks vừa công bố báo cáo chấn động, nói rằng Mỹ do thám cả Nhật Bản và chuyển tin tình báo cho Australia, New Zealand, Canada và Anh.

{keywords}

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Reuters)

Hãng tin Nga RT dẫn tài liệu mang tên "Nhắm vào Tokyo" do WikiLeaks công bố hôm 31/7 cho biết, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã tiến hành nghe lén 35 quan chức cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật, cũng như các quá trình đàm phán thương mại của "xứ sở mặt trời mọc".

Theo WikiLeaks, danh sách bao gồm các quan chức nội các của Nhật, lãnh đạo các ngân hàng lớn và các doanh nghiệp hàng đầu, chẳng hạn như bộ phận khí đốt thiên nhiên của tập đoàn Mitsubishi và bộ phận dầu mỏ của tập đoàn Mitsui. Ngoài ra, Washington còn cố khai thác từ Nhật vấn đề hợp tác song phương, đàm phán thương mại và chiến lược biến đổi khí hậu.

Tờ Thời báo Nhật Bản cho biết thêm, báo cáo về việc nghe lén "Nhắm vào Tokyo" được thực hiện trong nhiệm kỳ đầu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2006 cho đến tháng 9/2007. Bản báo cáo mới nhất của WikiLeaks trích dẫn năm tài liệu của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, trong đó có tới bốn tài liệu được đánh dấu tuyệt mật.

"Bài học cho Nhật Bản là đừng hy vọng một siêu cường về do thám sẽ hành xử với danh dự và sự tôn trọng. Chỉ có một quy tắc ở đây, đó là chẳng có quy tắc nào hết", Julian Assange, người sáng lập trang web chuyên tiết lộ thông tin mật WikiLeaks, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Nhật Bản là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình dương. Hai nước đã hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực thương mại và quốc phòng. Tuy nhiên, theo tiết lộ của WikiLeaks, một số thông tin tình báo về Nhật Bản của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã được chuyển sang cho một số quốc gia khác, bao gồm Australia, New Zealand, Canada và Anh.

Hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo dẫn các nguồn tin trong chính phủ nước này cho hay, nếu những cáo buộc của WikiLeaks được xác nhận, Tokyo sẽ phản đối hoạt động do thám của NSA. Tuy nhiên, việc này "không thể tác động lớn tới điểm cốt lõi trong quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ", ông Yoshinobu Yamamoto, giáo sư chính trị quốc tế trường Đại học Niigata, nhận định.

Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Yasuhisa Kawamura cũng cho biết thông tin rằng, nước này và Mỹ đang trao đổi về vấn đề "thu thập thông tin" của NSA. Tuy nhiên, ông Kawamura không cung cấp chi tiết cụ thể nào. "Tokyo sẽ tiếp tục thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo vệ thông tin của mình", Thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố.

Tiết lộ của WikiLeaks được công bố trong bối cảnh nước Nhật đang ở giữa cuộc tranh cãi gay gắt liên quan tới động thái gần đây của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm mở rộng vai trò của lực lượng phòng vệ nước này. Bước chuyển trong chính sách của Nhật được Washington hoan nghênh, nhưng lại gây ra tranh cãi ở các nước láng giềng của Nhật cũng như dân chúng Nhật.

Theo WikiLeaks, mặc dù điện thoại của Thủ tướng Nhật Bản không bị nghe lén, song Bộ trưởng Thương mại Yoichi Miyazawa và Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Haruhiko Kuroda đều có tên trong danh sách của NSA. Đây là tin đáng chú ý, nhất là khi vòng đàm phán mới nhất về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương kết thúc hôm 31/7 mà không có kết quả đáng kể nào.

Việc Mỹ do thám các nước đồng minh bị phơi bày năm 2003, khi WikiLeaks công bố các tài liệu của cựu nhân viên NSA Edward Snowden cho biết Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tới tháng 6 vừa qua, WikiLeaks tiếp tục khiến dư luận thế giới chấn động khi cho biết Mỹ đã nghe lén ba đời tổng thống của Pháp từ năm 2006 cho đến năm 2012.

Thanh Vân