- Triều Tiên thể hiện quyết tâm làm rõ vụ tàu chiến của Hàn Quốc bị chìm; Biểu tình trên toàn cầu chống cây trồng biến đổi gen... là những tin đáng chú ý.

Nổi bật

Triều Tiên vừa lặp lại lời kêu gọi mở một cuộc điều tra chung mới đối với vụ một tàu chiến của Hàn Quốc bị chìm năm 2010, nhằm đẩy lùi những cáo buộc cho rằng nước này có liên quan tới vụ việc và thúc giục Seoul dỡ bỏ trừng phạt với nước này.

{keywords}

Bình Nhưỡng đã xác nhận rằng, nước này sẵn sàng tham gia cuộc điều tra liên Triều về vụ chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc, vụ việc mà Seoul cho rằng chính Bình Nhưỡng gây ra, Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap ngày 24/5 đưa tin.

Trong một tuyên bố phát đi hôm 24/5, phòng chính sách thuộc Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên đã lặp lại đề xuất tiến hành điều tra chung vụ tàu Cheonan bị chìm. Lời đề nghị tương tự đầu tiên được Triều Tiên đưa ra vào tháng 7/2010, ba tháng sau khi vụ việc xảy ra.

"Nếu có một cơ sở nào đó để tin rằng chính Triều Tiên đánh chìm tàu, thì Hàn Quốc nên chấp nhận đề nghị của chúng tôi để cùng điều tra vụ việc trước toàn thể nhân dân và thế giới", phòng chính sách ra tuyên bố cho hay. Cơ quan này cũng nói thêm, "việc xác nhận sự thật sẽ dễ dàng hơn" do tàu Cheonan đã được đưa lên khỏi mặt nước khoảng một tháng sau khi tàu chìm.

Theo cơ quan Triều Tiên trên, một đội điều tra có liên quan đã được thành lập.

Đáp lại đề xuất của Triều Tiên, Hàn Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng phải thỏa mãn một loạt điều kiện, trước khi dỡ bỏ các trừng phạt với nước này.

Trước đó, trong một cuộc họp báo tháng 3/2015, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố một cuộc điều tra quốc tế đã kết luận rằng, Triều Tiên là thủ phạm thực hiện vụ việc trên. Tuy nhiên, Triều Tiên đã phủ nhận các cáo buộc.

Hai tháng sau khi tàu Cheonan chìm, Chính phủ Hàn Quốc đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng, chấm dứt gần như hoàn toàn các quan hệ kinh tế, ngoại trừ những gì liên quan tới khu công nghiệp chung ở Kaesong, Triều Tiên.

Tin vắn

- Một nhóm các nhà hoạt động phụ nữ quốc tế hôm 24/5 đã vượt qua khu vực phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc như một hành động tượng trưng cho hòa bình.

- Cảnh sát Malaysia đã phát hiện được một số ngôi mộ tập thể và các trại giam giữ của bọn buôn người trái phép tại các thị trấn và làng mạc nằm ở biên giới với Thái Lan. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho hay, giới chức nước này đang tìm hiểu xem có phải là mộ các nạn nhân của bọn buôn người hay không.

- Một dân thường thiệt mạng và hai người khác bị thương khi thành phố Avdiyivka do Kiev kiểm soát ở đông Ukraina bị pháo kích, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Donetsk Vyacheslav Abroskin hôm 24/5 cho biết.

- Người Ethiopia hôm 24/5 đã đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, cuộc bầu cử được dự đoán là chiến thắng sẽ thuộc về đảng cầm quyền.

- Các chiến binh nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đã giết hại ít nhất 400 người tại thành cổ Palmyra của Syria. Hầu hết nạn nhân là trẻ em và phụ nữ, đài truyền hình quốc gia Syria hôm 24/5 đưa tin.

- Quân Chính phủ Iraq hôm 24/5 đã giành quyền kiểm soát khu vực tây Iraq từ tay IS, và tiếp tục tiến đến thành phố Ramadi, một tuần sau khi Ramadi rơi vào tay lực lượng nổi dậy.

- Quốc vương Ảrập Xê-út Salman hôm 24/5 cho biết, ông vô cùng đau buồn khi nghe tin về vụ đánh bom liều chết xảy ra tại một thánh đường của người Shi'ite ở nước này khiến 21 người bỏ mạng, thông tấn xã quốc gia Ảrập Xê-út đưa tin.

- Quyền lãnh đạo đảng đối lập tại Anh hôm 24/5 cho biết sẽ ủng hộ kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của nước này vào cuối năm 2017 của Thủ tướng David Cameron.

- Quân chính phủ Ảrập Xê-út và phiến quân Houthi ở Yemen đã đấu pháo, thổi bay một phần cửa khẩu chính giữa hai nước, cư dân Ảrập Xê-út hôm 24/5 cho hay.

- Hàng nghìn người trên khắp thế giới đã tham gia vào một phong trào toàn cầu, phản đối tập đoàn công nghệ sinh học Monsanto của Mỹ. Các nhà hoạt động từ hơn 400 thành phố đã lên tiếng phản đối cây trồng biến đổi gen và vị thế độc quyền của Monsanto trong cung cấp thực phẩm.

Tin ảnh

{keywords}

Một nhóm 30 nhà hoạt động nữ quốc tế đã vượt qua khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc như một hành động tượng trưng cho hòa bình và đánh dấu ngày Quốc tế phụ nữ vì hòa bình và giải trừ quân bị. (Ảnh Reuters/Kyodo)

Phát ngôn

"Monsanto là lý do tại sao sinh vật biến đổi gen (GMO) có trong phần lớn thực phẩm của chúng ta và chúng ta đang ở tại một trong những nước không cấm nó. Đó là một vấn đề lớn và mọi người cần lên tiếng để thay đổi điều đó", một người biểu tình phản đối cây trồng biến đổi gen tuyên bố khi cuộc biểu tình chống GMO diễn ra ở hơn 400 thành phố.

Sự kiện

25/5/1963: Tại Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia, lãnh đạo 32 quốc gia châu Phi đã thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi. Với tổ chức này, lần đầu tiên các lãnh đạo châu lục có tiếng nói thống nhất trong lịch sử châu Phi.

Hoài Linh