Các nhà khoa học của Trung Quốc cho rằng ngày Tết âm lịch có thể là một tác nhân gây nên biến đổi khí hậu do đây là thời điểm có lượng người di chuyển ở mật độ khổng lồ nhất thế giới hàng năm.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời các nhà khoa học nói rằng tại Harbin, trung tâm lớn nhất ở đông bắc Trung Quốc, ‘đảo nhiệt đô thị’ tác động từ hoạt động của con người đã giảm đi trên 70% vào đêm sau khi mọi người rời khỏi thành phố cho kỳ nghỉ Tết kéo dài 1 tuần.

Thực tế đó khiến cho Harbin càng bị lạnh hơn vào mùa đông.

  {keywords}

Nghiên cứu do nhóm nhà khoa học tại Học viện Khoa học Vật lý Không khí Trung Quốc tiến hành, và cho rằng hiện tượng này tác động ‘rất lớn’ tới biến đổi khí hậu.

Các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu thống kê của cơ quan khí tượng Trung Quốc từ năm 1992 tới 2006, và phát hiện ra nhiệt độ khu vực đô thị giảm bất thường vào các dịp nghỉ lễ Tết âm lịch hàng năm.

Giáo sư Zhang Jingyong của Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Gió mùa và là tác giả của nghiên cứu này cho hay, Harbin không phải là thành phố duy nhất ‘bị lạnh’ vì đợt nghỉ Tết âm lịch.

Các thành phố lớn khác của đại lục, trong đó có Bắc Kinh, cũng trong tình trạng tương tự.

Zhang nói rằng các phát hiện này có thể soi rọi vào nghiên cứu về biến đổi khí hậu do con người gây nên.

Trước nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu về việc sinh hoạt của con người tác động lên biến đổi khí hậu như thế nào, nhưng chưa rõ liệu việc các dòng người di cư ảnh hưởng lên thời tiết ra sao.

Ông Zhang nói rằng dịp Tết âm lịch đã biến Trung Quốc thành một ‘phòng thí nghiệm độc nhất’ cho nghiên cứu này.

Trong các mùa du lịch gần đây, các dòng người rời khỏi đô thị để đoàn tụ với gia đình ở quê tạo nên hơn ba tỉ chuyến đi tại Trung Quốc.

Lê Thu