Thiếu khả năng tiếp cận ngoại giao ở trung Đông, Nhật Bản đang gặp khó khăn trong việc giải cứu con tin khi mà hạn chót lực lượng IS đưa ra đã cận kề.

{keywords}
Hình ảnh con tin Nhật Bản bị bắt cóc.

Lực lượng ‘Nhà nước Hồi giáo’ tự xưng (IS) đã bắt hai con tin người Nhật Bản, và ra điều kiện tiền chuộc là 200 triệu USD trong vòng 72 giờ. Ngày mai là hạn chót, nếu Tokyo không đáp ứng yêu cầu, IS sẽ hành quyết hai con tin này.

Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Nhật Bản là Yoshihide Suga nói rằng Nhật vẫn đang tìm mọi cách tiếp cận với 2 công dân bị IS bắt – là nhà báo tự do 47 tuổi Kenji Goto và Haruna Kukawa, 42 tuổi.

Cho tới lúc này, Tokyo vẫn chưa nhận được thêm thông tin nào từ phía IS sau khi lực lượng này công bố đoạn băng video đe dọa.

Cuộc khủng hoảng này được cho là phép thử đối với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi ông nỗ lực mở rộng vai trò của Nhật trong các vấn đề quốc tế, cũng như nâng cao tiềm lực của quân đội Nhật.

AP cho biết, Tokyo thiếu các mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ trong khu vực Trung Đông, và các nhà ngoại giao của Nhật đã rời Syria do nội chiến leo thang. Thực tế này khiến việc liên hệ với nhóm vũ trang cực đoan giam giữ con tin thêm khó khăn.

Cho tới lúc này, chỉ còn vài giờ trước hạn chót của IS đưa ra, sáng kiến duy nhất được công bố là do ông Ko Nakata – một chuyên gia về luật Hồi giáo và giáo sư tại Đại học Doshisha đưa ra.

Ông Nakata đã đọc một bản tuyên bố được viết bằng tiếng Nhật và tiếng Ả Rập tới lực lượng IS với nội dung như sau: “Bảy mươi hai giờ là quá ngắn. Xin hãy chờ thêm chút nữa, và đừng có hành động gì ngay lúc này. Nếu có thể đối thoại, tôi sẵn sàng tới và đàm phán”.

Ông Nakata cũng hối thúc IS ‘giải thích kế hoạch của nhóm này cho chính quyền Nhật Bản, và chờ đợi đề xuất trở lại từ phía Nhật’.

Ông cũng đề xuất trao 200 triệu USD cho hoạt động viện trợ nhân đạo tới những người tị nạn và người dân trong khu vực do IS kiểm soát.

Khi được hỏi về các biện pháp cứu con tin, ông Suga cho biết Tokyo đã ‘sẵn sàng cân nhắc mọi cách có thể để cứu hai con tin’.

Truyền thông Nhật Bản cho biết vợ của nhà báo Goto đã nhận được một thư điện tử hồi tháng 12, trong đó yêu cầu khoản tiền chuộc trị giá 17 triệu USD, nhưng không dọa giết Goto.

Hiện chưa rõ Nhật Bản từng phải trả bao nhiêu tiền để chuộc công dân của mình bị bắt làm con tin. Chỉ có một vụ việc duy nhất được xác nhận là một trường hợp tại Kyrgyzstan vào năm 1999.

Lê Thu