Các tiểu đoàn vũ trang trở về từ Đông Ukraina reo rắc tội ác tại Kiev, người biểu tình ở Hong Kong đối mặt nguy cơ bị bắt… là những tin nóng 24 giờ qua.

Tin nổi bật

Tiểu đoàn quân tình nguyện Ukraina do chính quyền Kiev dựng lên để chống lại phe ly khai ở miền Đông, đã bất ngờ xuất hiện tại Kiev. Đội quân này đang reo rắc nỗi lo cho an ninh tại thủ đô của Ukraina và thậm chí dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính.

{keywords}

Trưởng Công tố của Ukraina, Sergei Yuldashev cho biết sự trở về của tiểu đoàn này đang đặt ra các mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và sự ổn định của thành phố.

"Họ nghênh ngang đi lại trên đường phố, trên người đầy các loại vũ khí hạng nặng" – Itar-Tass dẫn lời ông Sergei Yuldashev.

"Tôi tin rằng họ đang đặt ra các mối đe dọa an ninh. Ai cũng thấy là họ rất khó lường. Họ thậm chí có thể lên kế hoạch đảo chính quân sự" - ông Yuldashev nói.

Thứ 6 tuần trước, văn phòng công tố đã ban hành tuyên bố cảnh cáo đối với các thành viên của tiểu đoàn tình nguyện Aidar vì có âm mưu đảo chính quân sự.

Các tiểu đoàn tình nguyện trung thành với Kiev nằm dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng Ukraina, được thành lập để chống lại quân ly khai ở Đông Ukraina, đặc biệt là ở Donetsk và Lugansk kể từ khi chiến sự ác liệt nổ ra trong khu vực kể từ giữa tháng 4.

Trên 5.600 người trên khắp Ukraina đã gia nhập các tiểu đoàn tình nguyện này tính đến tháng 8 năm nay. Khoảng 7.000 người đã gia nhập vào cuối tháng 9.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Stepan Poltorak cho biết các tiểu đoàn quân tình nguyện này sẽ được đưa vào quân đội chính quy để quản lý kế hoạch hành động của họ.

Kể từ khi chính quyền Kiev tiến hành chiến dịch quân sự chống làn song ly khai ở đông Ukraina đã có nhiều tiểu đoàn tình nguyện ủng hộ chính phủ được lập ra, như tiểu đoàn Donbas, Azov và Dnipr.

Theo hãng tin Sputnik, mặc dù đã được sáp nhập vào lực lượng Vệ binh Quốc gia nhưng các nhóm này vẫn liên tục tiến hành các chiến dịch riêng của họ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên tiếng cáo buộc chính quyền Ukraina phải chịu trách nhiệm về những tội ác chiến tranh và vi phạm nhân quyền mà các tiểu đoàn tình nguyện này gây ra.

Tin vắn

Thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 đã chỉ trích hãng hàng không Malaysia Airlines sau khi một quan chức hãng này nói rằng, các cơ quan chức năng sẽ ấn định ngày tuyên bố chiếc máy bay đã “bị mất”, đồng nghĩa với việc mọi hoạt động tìm kiếm sẽ dừng lại.

Quân đội Iraq đã đánh bật các phần tử thánh chiến thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi khu vực trung tâm của thị trấn Beiji, nằm cách thủ đô Baghdad 250km về phía Bắc, nơi đặt nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq.

Nhóm Thông tin tác chiến thuộc Quân đội Ukraina tố cáo Nga vừa mới cung cấp tên lửa phòng không Carapace C-1 cho phe ly khai.

Nga đã ký kết với Iran một thỏa thuận, theo đó Moscow sẽ giúp Tehran xây dựng 2 lò phản ứng mới tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr, nâng tổng số lò phản ứng phạt nhân tại nước Cộng hòa Hồi giáo này lên 8 lò.

Trung Quốc và Nhật Bản đang thiết lập các cơ chế khẩn cấp để ngăn chặn xung đột và các tai nạn hàng hải.

Trung Quốc đã giới thiệu máy bay chiến đấu tàng hình J-31 mới nhằm phô trương sức mạnh quân sự trong thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama tới nước này tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn APEC.

Triều Tiên đã ngừng đàm phán với Liên minh châu Âu - nhà bảo trợ chính đối với một nghị quyết của Liên hợp quốc, theo đó hối thúc Bình Nhưỡng trình diện tại Tòa án Hình sự Quốc tế vì những tội ác chống lại loài người.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin 3 lần bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Bắc Kinh, với nội dung thảo luận xoay quanh các vấn đề Iran, Syria và Ukraina.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã hối thúc Tổng thống Nga Vladimir Putin giúp tạo điều kiện để tiếp cận đầy đủ vào hiện trường vụ tai nạn máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines nhằm tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về vụ việc này.

Thông tin trong ảnh

Những người biểu tình tại Hong Kong đã cắm trại trên các con phố chính trong hơn sáu tuần qua đang đối mặt với lệnh bắt sau khi một phiên tòa cho phép cảnh sát giúp các chấp hành viên ở tòa án giải tán các khu vực bị chiếm giữ. Trong ảnh là các lều do người biểu tình dựng nên ở khu vực gần trụ sở chính quyền Hong Kong, ngày 11/11/2014. Ảnh: AP

{keywords}

Phát ngôn ấn tượng

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết hiện tại chưa có kế hoạch trừng phạt kinh tế nào nữa nhằm vào Nga về vấn đề Ukraina, tuy nhiên, bà nói rằng bà không vui vì lệnh ngừng bắn đang bị phá vỡ, và phe ly khai đã tiến hành bầu cử.

“Chúng tôi không hề hài lòng với tình trạng của thỏa thuận Minsk bởi vì phần lớn thỏa thuận này đang không được thực thi.

Ngoài ra, hiện tại chưa có kế hoạch nào về việc trừng phạt kinh tế nữa, chúng tôi đang tập trung vào mùa đông và tình hình cứu trợ nhân đạo tại đây, và làm thế nào để có ngừng bắn thật sự” – bà Merkel nói.

Sự kiện

12/11/1942 – Chiến tranh thế giới thứ hai: Bắt đầu Hải chiến Guadalcanal tại quần đảo Solomon giữa quân Đồng Minh và quân Nhật Bản.

12/11/1970 – Xoáy thuận Bhola đổ bộ tại bờ biển của Đông Pakistan, trở thành xoáy thuận nhiệt đới gây thiệt hại nhân mạng cao nhất trong lịch sử.

12/11/1980 – Tàu thăm dò không gian Voyager 1 của NASA tiếp cận gần nhất với Sao Thổ và có được những bức ảnh đầu tiên về vành đai của hành tinh này.

12//11/1990 – Hoàng thái tử Akihito tiến hành lễ tức vị tại Hoàng Cư ở Tokyo, chính thức trở thành Thiên hoàng thứ 125 của Nhật Bản.

  • Lê Thu