Sau thất bại của đảng Dân chủ trong bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Tổng thống Barack Obama phải đối mặt với hàng loạt thách thức về chính sách đối ngoại khi ông công du châu Á tuần này.

TIN BÀI KHÁC:

Ông Obama đã coi việc xoay trục sang châu Á là một trọng điểm trong "công trình" chính sách đối ngoại của ông. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng, Tổng thống Mỹ - vốn đang bị các cuộc khủng hoảng trên thế giới bủa vây - đã không thể biến ngôn từ thành hành động.

"Trục xoay tới châu Á vẫn chỉ là lời nói hơn là hiện thực", cây viết Fareed Zakaria của CNN đánh giá. "Mỹ đã hứa sẽ hiện diện quân sự lớn hơn ở Philippines, Singapore và Australia, nhưng có rất ít bằng chứng về điều này ở thực địa".

{keywords}
Tổng thống Barack Obama bước khỏi chiếc phi cơ Không lực 1 khi tới Bắc Kinh ngày 10/11. (Ảnh: Reuters)

Ngày 10/11, Tổng thống Obama đã tới Bắc Kinh, nơi sự tập trung lớn hơn của Mỹ vào châu Á được quan sát với ánh mắt nghi ngờ.

"Hai luồng suy nghĩ nổi trội - sự ngăn chặn được cho là do Mỹ đứng đầu nhằm vào Trung Quốc và mối đe dọa nhằm vào Mỹ do sức mạnh quân sự và kinh tế đang tăng cao của Trung Quốc - đã đẩy hai cường quốc vào một chiều hướng đối lập", Cheng Li - một thành viên về chính sách đối ngoại cấp cao tại Viện Brookings.

Tổng thống Obama có mặt tại Bắc Kinh để dự hội nghị Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nhưng ông sẽ có các cuộc gặp gỡ trực tiếp với Chủ tịch Tập Cận Bình để hội đàm về một số vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như an ninh mạng. 

"Để đưa mối quan hệ song phương thiết yếu này trở lại đường ray, Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình phải tận dụng hội nghị ở Bắc Kinh, để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và công khai bác bỏ những nhận thức sai lầm như trên", ông Li nói thêm trong những bình luận được Brookings đăng tải.

Tiếp sau Trung Quốc, Obama sẽ sang Myanmar - đất nước mà cách đây 2 năm ông đã đặt chân tới với tư cách đương kim tổng thống đầu tiên của Mỹ tới thăm. Khi đó sẽ là màn phô diễn lớn về những cải cách chính trị sau nhiều thập niên Myanmar nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân sự.

Việc Myamnar mở cửa đã trở thành ví dụ điển hình về sự ràng buộc của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều lo ngại về tiến trình ngập ngừng của những thay đổi đó.

"Kể từ thời kỳ đỉnh điểm của tiến trình cải cách ở Myanmar năm 2012 và đầu năm 2013, sự cởi mở về chính trị của đất nước này, theo tôi thấy, đã bị trì trệ, tụt lại phía sau", Joshua Kurlantzick thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận xét. Ông cho rằng, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ thúc giục Chính phủ Myanmar đẩy mạnh cải cách chính trị và xem xét lại chính sách dành cho người thiểu số Rohingya. 

Chặng dừng chân cuối cùng của Obama trong chuyến công du này là Australia, nơi hội nghị G-20 sẽ diễn ra ở Brisbane. Ông dự kiến sẽ có "bài phát biểu chính sách quan trọng bàn về vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương", đồng thời tổ chức một cuộc gặp đa phương với các thủ tướng của Australia và Nhật, theo Evan Medeiros - Giám đốc cấp cao về Các vấn đề châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Nhưng sự chú ý sẽ dồn nhiều hơn cả vào cách thức Obama ứng phó với sự có mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã chọc giận các lãnh đạo phương Tây về cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Đầu năm nay, phương Tây đã loại Nga khỏi nhóm các nước công nghiệp hóa hàng đầu G-8.

Tuy nhiên, ông Putin vẫn có mặt ở Brisbane để dự Hội nghị G-20, và thậm chí có thể chạm trán với người đồng cấp Mỹ tại hội nghị APEC ở Bắc Kinh.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice không loại trừ khả năng hai người lại chạm trán ở Brisbane.

"Tôi cho rằng, cũng như trước kia, sẽ có một cơ hội cho các lãnh đạo G-20 gặp gỡ không chính thức bên lề", bà Rice bình luận tại một cuộc họp báo cuối tuần trước. "Sẽ không có một cuộc gặp song phương chính thức nào được sắp đặt hoặc trù bị nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ có một cuộc tiếp xúc không chính thức".

Thanh Hảo