Nga và Ukraina đã không thể đạt được một hiệp ước về các nguồn cung khí đốt cho mùa đông sắp tới trong cuộc gặp do EU làm trung gian hôm 21/10.

TIN BÀI KHÁC:

Tuy nhiên, hai bên nhất trí sẽ ngồi lại với nhau tại Brussels với hy vọng sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến khả năng thanh toán của Kiev, theo tin từ Reuters.

{keywords}
Ukraina phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung khí đốt từ Nga. (Ảnh: RT)

Sau một ngày thương lượng trong bối cảnh dư luận chung trông chờ thỏa thuận cuối cùng sẽ ra đời, Cao ủy Năng lượng của EU Guenther Oettinger thông báo tại một cuộc họp báo ở Brussels rằng, ba bên nhất trí mức giá mà Ukraina sẽ trả cho tập đoàn Gazprom là 385 USD/1.000 m3 khí nếu thanh toán trước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak kiên quyết với lập trường rằng, Moscow muốn được đảm bảo về cách thức Kiev sẽ tìm được nguồn tiền để thanh toán cho Moscow.

Phụ thuộc vào viện trợ phương Tây, Ukraina đang ở vị thế của nước yếu trong mối quan hệ với Nga.

Viện lý do các khoản nợ hơn 5 tỷ USD mà Kiev chưa thanh toán được, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Kiev hồi giữa tháng 6. Quyết định này càng làm xấu đi mối quan hệ Đông - Tây, mà vốn đã tồi tệ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm khỏi Ukraina hồi tháng 3. 

Hai nước hiện đang kiện nhau ở một tòa án quốc tế về số nợ này. Tuy nhiên, ông Oettinger lưu ý Ukraina đã nhất trí trả 3,1 tỷ USD làm 2 đợt trong năm nay trong nỗ lực khơi thông nguồn cung khí đốt trong mùa đông tới.

Nhiều nước EU cũng phụ thuộc vào khí đốt Nga và đang mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại với Moscow do khủng hoảng Ukraina. Do vậy, họ lo ngại nguồn cung của chính mình cũng sẽ bị gián đoạn nếu vấn đề không được giải quyết.

Tuy đóng van chuyển khí sang Kiev, hãng Gazprom của Nga vẫn chưa ngừng cung cấp sang các nước EU. Bộ trưởng Novak một lần nữa loại trừ khả năng Nga đồng ý để EU tái xuất khẩu khí đốt sang Ukraina.

Hiện 1/3 tổng lượng khí đốt của châu Âu bắt nguồn từ Nga, với một nửa trong số đó được trung chuyển qua Ukraina. Hai lần cãi vã về giá cả trước đó giữa Moscow và Kiev năm 2006 và 2009 đã tác động nặng nề đến nguồn cung cho các quốc gia EU. Tranh cãi lần này càng trở nên nghiêm trọng do quan hệ xấu giữa Moscow và Kiev.

Ông Oettinger đã đứng ra làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa Nga và EU kể từ tháng 5 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi EU can thiệp.

"Chúng tôi tiến thêm một bước nữa tới một giải pháp có thể và tiến sát tới một thỏa thuận về các yếu tố quan trọng. Vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, chẳng hạn như khoảng cách tài chính", quan chức EU này cho biết sau các cuộc hội đàm ngày 21/10.

"Trong cuộc gặp tiếp theo - mà chúng tôi hy vọng sẽ là cuộc gặp ba bên cuối cùng, vào thứ Tư ở Brussels, chúng tôi sẽ có thể đạt được một quyết định và chúng tôi sẽ có chữ ký của tất cả các bên".

Thanh Hảo