Quan điểm trái ngược nhau về cách thức mang lại thay đổi đã phủ bóng cuộc gặp đầu tiên giữa những người biểu tình đòi dân chủ và các đại diện chính quyền Hong Kong hôm 21/10.

TIN BÀI KHÁC:

Trong khi Chánh văn phòng Đặc khu Carrie Lam đề nghị người biểu tình - do Liên đoàn Sinh viên Hong Kong dẫn đầu - hãy làm việc trong khuôn khổ hệ thống thì các thủ lĩnh phong trào tuyên bố họ không còn lựa chọn nào khác ngoài làm việc bên ngoài hệ thống đó. 

"Chúng ta nên làm việc bên trong hệ thống, mở rộng sự minh bạch và sự cạnh tranh của hệ thống như một tổng thể. Đây là cơ hội tốt và là cuộc đối thoại có ý nghĩa. Tôi hy vọng cộng đồng sẽ cùng đoàn kết", CNN Dẫn lời bà Lam nói.

{keywords}
Tình hình ở Hong Kong vẫn căng thẳng. (Ảnh: Getty)

Sau hơn một tháng biểu tình rầm rộ ở Hong Kong, Alex Chow - một trong nhóm thủ lĩnh sinh viên - tiếp tục đòi hỏi một khung thời gian cho cải cách chính trị.

"Tại sao người dân lại đổ ra đường?", anh này đặt câu hỏi. "Người ta cảm thấy họ không có lựa chọn nào nữa. Họ phải kéo nhau ra và khiến cho tiếng nói của mình được lắng nghe". 

Bà Lam đảm bảo với các thủ lĩnh sinh viên rằng họ đang được lắng nghe. "Tiếng nói của sinh viên đã được chính quyền Hong Kong, người dân và thậm chí cả chính quyền trung ương lắng nghe. Nhưng dù cảm nghĩ có dâng cao đến đâu thì các bạn vẫn phải dùng đến các biện pháp hợp pháp". 

Đây là một thông điệp được một số thành viên trong ủy ban chính quyền hưởng ứng.

Kể từ khi nổ ra biểu tình, cảnh sát Hong Kong đã nhiều lần dùng vũ lực để giải tán các địa điểm tập trung. 

"Tại sao chúng tôi sẵn sàng để bị bắt? Tại sao chúng tôi sẵn sàng cắm trại suốt ngày đêm? Tại sao chúng tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro bị xịt hơi cay, bị đập gậy vào đầu? Chúng tôi chỉ muốn quyền về dân chủ mà thôi", Lester Shum - một viên phó của thủ lĩnh Chow - khẳng định.

Phía bà Lam cho biết chính quyền Hong Kong sẽ chuyển các quan điểm của phong trào Chiếm đóng tới Bắc Kinh bằng cách đệ trình một báo cáo lên Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau, phản ánh các sự kiện diễn ra ở Đặc khu này từ ngày 31/8. 

Tuy nhiên, thủ lĩnh Chow vặn lại rằng một báo cáo như thế thì có tác động gì. "Báo cáo này sẽ mang lại những thay đổi cụ thể nào? Liệu nó có giúp điều chỉnh khuôn khổ cho đường hướng tương lai của các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp hay không?". 

Trong những bình luận khép lại cuộc gặp, Chánh văn phòng Lam cho biết, một cách tiếp cận dần từng bước có thể giúp Hong Kong tiến tới cuộc bầu cử năm 2017 và 2020. Bà bày tỏ hy vọng tình trạng chiếm đóng ở một số khu vực của Hong Kong sẽ sớm kết thúc, nhấn mạnh rằng "Hong Kong đã bị xé nát" bởi các cuộc biểu tình.

"Các mối quan hệ giữa người dân Hong Kong cũng đang trở nên rất căng thẳng. Việc chiếm đóng hiện nay đã đi quá xa so với ban đầu vốn được tình yêu và hòa bình truyền cảm hứng", bà Lam nói thêm. 

Cuộc gặp hôm 21/10 có sự tham gia của 5 đại diện Liên đoàn Sinh viên Hong Kong và 5 đại diện của chính quyền. Tuy các cuộc đối thoại là cơ hội tốt nhất về một giải pháp hòa bình cho tình trạng căng thẳng hiện nay ở thành phố này nhưng ít có khả năng hai bên sẽ nhượng bộ nhau vì vẫn còn rất nhiều bất đồng. 

Thanh Hảo