Mỹ thừa nhận video cảnh quân nổi dậy IS chặt đầu nhà báo James Foley là sự thật và thế giới đã đồng loạt có phản ứng phẫn nộ về vụ việc kinh hoàng này.

> Mạng xã hội vật vã chặn video nhà báo Mỹ bị chặt đầu
> Quân nổi dậy Iraq chặt đầu nhà báo Mỹ

Tổng thống Barack Obama nói rằng vụ James Foley đã "gây sốc lương tâm toàn thế giới" và ông cam kết Mỹ sẽ làm tất cả những gì phải làm để bảo vệ công dân của mình.

Hôm 19/8, IS đã tung một video lên mạng, ghi cảnh Foley bị chặt đầu, tuyên bố đây là đòn trả thù Mỹ không kích Iraq. Vụ việc đã khiến dư luận toàn cầu phẫn nộ và có thể buộc các nước phương Tây hành động mạnh tay hơn nữa với IS.

{keywords}
James Foley khi đang tác nghiệp ở Syria. (Ảnh: AP)

Giới chức Mỹ cho biết các chuyên gia phân tích tình báo kết luận video có tựa đề "Một thông điệp dành cho Mỹ" là xác thực. Trong đó còn có hình ảnh một nhà báo Mỹ khác tên là Steven Sotloff với tuyên bố số phận của ông này cũng phụ thuộc vào việc Mỹ hành động như thế nào ở Iraq.

"Mỹ sẽ tiếp tục làm những gì phải làm để bảo vệ người dân của mình. Chúng tôi sẽ thận trọng và chúng tôi sẽ không nao núng", ông Obama tuyên bố. "Khi người ta làm hại người Mỹ, ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi làm tất cả những gì cần thiết để thấy công lý được thực thi".

Tại Anh, cảnh sát chống khủng bố đã bắt tay vào điều tra đoạn video vì kẻ giết Foley nói giọng London. Dường như là một công dân Anh, kẻ thủ ác nói anh ta chỉ là một trong hàng trăm người Hồi giáo châu Âu tham gia IS ở Iraq và Syria, là người mà các nhà chức trách coi là mối đe dọa an ninh đối với các lợi ích Mỹ và châu Âu nếu họ từ Trung Đông trở về.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhanh chóng có phản ứng về vụ việc.

Thủ tướng Anh David Cameron đã bỏ dở kỳ nghỉ trở về London chỉ đạo chiến dịch truy lùng nhằm xác định danh tính kẻ giết người. Ngoại trưởng Philip Hammond nói ông không ngạc nhiên khi nghe thấy giọng nói Anh và một số lượng lớn các công dân Anh đang chiến đấu ở Iraq và Syria.

"Các cơ quan tình báo của chúng tôi sẽ điều tra cẩn thận ở cả hai bờ Đại Tây Dương về video này để xác thực độ tin cậy, để xác định cá nhân liên quan và sau đó chúng tôi sẽ hợp tác cùng nhau để định vị đối tượng", ông Hammon nói với hãng tin Sky News.

Pháp kêu gọi các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cùng các nước trong khu vực, trong đó có các quốc gia Ảrập và Iran, hãy phối hợp hành động chống lại IS. Tổng thống Francois Hollande kêu gọi một hội nghị quốc tế thảo luận về cách thức xử lý nhóm chiến binh.

Trong tuần này, Đức sẽ quyết định liệu có gửi vũ khí cho người Kurd Iraq để giúp họ chiến đấu chống IS hay không. Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier ngụ ý rằng có thể sẽ là vô trách nhiệm nếu không hành động.

Các phóng viên làm việc với Foley cũng đã gửi lời chia buồn của họ tới gia đình anh.

Foley, 40 tuổi, bị bắt cóc ở Syria hồi tháng 11/2012 khi đang đưa tin về nội chiến ở nước này. Trên đường qua miền bắc Syria, tại địa bàn tỉnh Idlib thì xe của nhà báo này bị phiến quân chặn lại và từ đó không ai còn thấy Foley nữa.

Ước tính có khoảng 20 nhà báo đang mất tích ở Syria, theo Ủy ban Bảo vệ Các nhà báo Mỹ.

Thanh Hảo