Cảnh sát Mỹ phải xả hơi cay để giải tán người biểu tình và bắt giữ một số người khi bạo động ở thị trấn Ferguson thuộc bang Missouri lại bùng lên lần nữa.

> Bạo động tái bùng phát ở Mỹ
>
Mỹ chìm trong bạo động ngày thứ 4 liên tiếp

BBC đưa tin, các diễn biến bạo lực mới xảy ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Barack Obama kêu gọi người dân địa phương giữ bình tĩnh về vụ một thanh niên da đen tên Michael Brown bị cảnh sát bắn chết hôm 9/8.

Lực lượng Vệ binh quốc gia đã được triển khai tới hỗ trợ các chiến dịch của cảnh sát. Thống đốc Missouri, ông Jay Nixon, thông báo kế hoạch này hôm qua, đồng thời với việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm được áp đặt từ cuối tuần trước.

Việc Brown bị một cảnh sát da trắng bắn chết ngay trên phố đang làm dấy lên căng thẳng sắc tộc trong cộng đồng người da màu ở Ferguson. Sĩ quan Darren Wilson đã bắn chết Brown sau khi ngăn anh ta đi bộ trên phố.

Đại úy cảnh sát Ron Johnson - người chỉ huy chiến dịch ở Ferguson - nhấn mạnh rằng các sĩ quan buộc phải hành động sau khi người biểu tình ném chai lọ và có hai trường hợp bị thương vì súng.

Lực lượng an ninh cũng đã yêu cầu báo chí rời đi khi người biểu tình từ chối rời khỏi một tuyến đường chính. Hình ảnh ghi lại được cho thấy cảnh sát đã bắt giữ một số người, trong khi nhiều sĩ quan đứng thành hàng đối mặt với đám đông.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ dự định sẽ đến Ferguson vào ngày mai (20/8) để gặp gỡ các quan chức liên bang đang điều tra vụ việc. Trong một thông điệp trước đó, ông thông báo sẽ "đích thân tới" Ferguson để gặp gỡ các công tố viên và các nhà điều tra FBI.

Quan chức này khẳng định cuộc điều tra là "một bước quan trọng trong việc phục hồi lòng tin giữa lực lượng thi hành luật và cộng đồng, không chỉ ở Ferguson mà còn xa hơn thế".

Trước đó, Tổng thống Barack Obama nói ông hiểu "cảm xúc và sự tức giận" do cái chết của người thanh niên da đen gây ra. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định rằng, trút giận "bằng việc cướp phá hoặc mang súng, thậm chí tấn công cảnh sát, sẽ chỉ càng làm gia tăng căng thẳng và kích động hỗn loạn".

Obama cho biết, ông nhận ra rằng trong nhiều cộng đồng ở Mỹ đang tồn tại một "hố sâu ngờ vực" giữa người dân địa phương và lực lượng thi hành luật.

Thanh Hảo