Một ‘dịch bệnh’ đang lây lan trong nhóm các du khách người Trung Quốc mỗi khi tới thăm thủ đô của nước Pháp, đó là ‘hội chứng Paris’.  

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Du khách Trung Quốc tới thăm đồi Montmartre ở Paris trong tháng Tám này. Ảnh: Getty Image

Trang Bloomberg kể về trường hợp du khách Jiang He cảm thấy thất vọng ngay khi vừa đặt chân tới thủ đô nước Pháp. Du khách 20 tuổi này chọn Paris là điểm đến cho chuyến đi nước ngoài đầu tiên của mình vào năm ngoái. Nhưng vừa xuống sân bay, hành lý của cậu bị mất. 

Cậu ngạc nhiên khi thấy đường phố Paris đầy rác và mẩu thuốc lá vứt khắp nơi.  

“Tôi nghĩ là châu Âu là nơi rất sạch sẽ, nhưng Paris thì quá bẩn và người dân Pháp có vẻ chẳng mấy bận tâm tới vệ sinh” – Jiang nói. 

Trong số 1,7 triệu khách Trung Quốc tới Pháp thì có 900.000 người tới Paris. Thomas Deschamps, giám đốc Văn phòng Du lịch Paris cho biết, năm 2012, tỉ lệ khách Trung Quốc tới Paris tăng 23%, nhưng cùng kỳ năm 2013 thì con số này chỉ là 11%. 

Cũng giống như những người Nhật, các du khách đầu tiên từ Trung Quốc – được truyền thông và phim ảnh nuôi dưỡng những mộng tưởng – tới Paris với ước ao được nhìn thấy một thành phố châu Âu xinh đẹp, giàu có và thân thiện, cùng với những người đàn ông ăn vận tao nhã, và phụ nữ ngây ngất trong hương thơm Chanel số 5.  

Thay vào đó, họ lại khám phá ra một mặt khác đầy nhem nhuốc của thành phố - những ga tàu điện chật cứng, bồi bàn gắt gỏng và kẻ móc túi thì lúc nào cũng rình mò các khách du lịch với túi tiền dầy cộp. Tất cả những điều này đã tạo nên một cơn sang chấn tâm lý cho khách du lịch Trung Quốc. 

“Người Trung Quốc đã lãng mạn hóa nước Pháp, họ biết về văn học Pháp và những câu chuyện tình nước Pháp” - Jean-Francois Zhou, chủ tịch một hiệp hội các công ty lữ hành Trung Quốc ở Pháp, cho biết. “Nhưng rồi tất cả đều kết thúc trong nước mắt, và thề bồi là sẽ không bao giờ trở lại”.  

Còn đối với Pháp, tiếp tục hớp hồn các du khách Trung Quốc với khoảng gần 1 triệu lượt tới Paris hàng năm, là một chìa khóa để kích thích cho nền kinh tế đang ứ đọng suốt quý hai. Du lịch chiếm tới 7,2% GDP của nước Pháp trong năm 2012. 

Zhou cho biết, giờ thì cơn bùng nổ lữ hành Trung Quốc đang xẹp dần, một phần là vì chiến dịch tiễu trừ tham nhũng ở trong nước, phần khác là vì lo ngại những rắc rối đang chờ đón họ ở Paris.

Du khách Trung Quốc được coi là một cứu tinh cho nền kinh tế trong vai trò là người tiêu dùng. Khoảng 60% trong số họ mua sắm điên cuồng ở Paris năm 2012 với các mặt hàng xa xỉ như túi của Louis Vuitton, Chanel và khăn Hermes. Mức tiêu hàng ngày của họ là khoảng 59 euro, nhỉnh hơn cả mức tiêu của người Nhật (56 euro), và hơn mức trung bình là 26 euro. 

Nhiều khi họ trả tiền mua một cây kem bằng một tờ 500 euro. Và vì tiêu chủ yếu là tiền mặt nên họ trở thành ‘con mồi’ của những kẻ móc túi.  

Nạn móc túi ở Paris nghiêm trọng đến mức nhân viên tại bảo tàng Louvre đã đình công để buộc cảnh sát phải có mặt nhiều hơn ở bảo tàng. 

Muriel Sobry – một cảnh sát phụ trách quanh khu vực đại lộ Champs-Elysees cho biết: “Paris là một thành phố thơ mộng, nhưng nếu tin ở đây là nơi không hề có tội phạm thì quả là ngây thơ”. 

Văn phòng Du lịch Paris cho biết, thành phố này được đánh giá cao nhất cho mọi hạng mục, từ ẩm thực cho tới dịch vụ và các sự kiện văn hóa, nhưng lại bị đánh lỗi nặng vì an ninh và vệ sinh.  

Vài tháng trước, Trung Quốc còn đề nghị cử vài cảnh sát của riêng họ đi tới Paris để giúp cho các khách du lịch trong nước. Điều này không thực hiện được vì đôi bên không thể thống nhất được việc các cảnh sát Trung Quốc sẽ thực thi luật của bên nào.  

Deschamps nói: thành phố này ‘nhận ra rằng các khách du lịch châu Á rất dễ tổn thương’.   

Mùa hè năm nay, Paris đã phải điều động các trạm cảnh sát cơ động tại các điểm đỗ xe buýt gần những địa điểm du lịch chính của thành phố. 

Những chỉ dẫn an ninh đi kèm được dịch sang tiếng Trung, chẳng hạn như ‘không đặt điện thoại lên bàn tại quán cà phê’, ‘không đeo trang sức quá đắt tiền’. 

Michel Lejoyeux, giám đốc bệnh viện tâm thần Bichat tại Paris cho biết: “Đây không phải vấn đề an ninh. Những cảm xúc quá mạnh, một thứ ngôn ngữ mới, một đồng tiền mới, tất cả những thay đổi này khiến nhiều lữ khách cảm giác như họ đã mất phương hướng”.  

Văn phòng Thương mại Du lịch ở Paris đã có chiến dịch thay đổi hình ảnh, mang tên ‘Bạn có nói chuyện với khách du lịch’, cung cấp các khóa học ngoại ngữ trên mạng và thông tin từng quốc gia. Trên website này nói rằng người Trung Quốc thích ‘chào đơn giản’ và một ‘lời chào bằng tiếng của họ’. 

Tuy vậy, các du khách Trung Quốc hiện nay cũng như khách Nhật trước đó sẽ còn phải đối diện với một Kinh đô Ánh sáng không có vẻ rực rỡ huy huy hoàng như trong trí tưởng tượng của họ.

Nguyễn Thế Hùng