Sau khi chiếc Boeing 777 của Malaysia rơi gần biên giới Ukraina – Nga, các bên liên quan đã đổ trách nhiệm cho nhau về ‘thảm hoạ hàng không’ này.

TIN LIÊN QUAN:

{keywords}
Một mảnh vỡ của chiếc Boeing - Ảnh: RT

Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko nói rằng việc bắn hạ máy bay MH17 của Malaysia là một hành động khủng bố.

Đồng thời, ông Poroshenko nói thêm rằng quân đội của ông không làm việc này.

Quân đội Ukraina nói thêm rằng họ có ghi nhận nhiều tên lửa được phóng lên ở đông Ukraina giáp thời điểm máy bay MH17 bị rơi.

Chính quyền vùng Donetsk, nơi máy bay rơi, cho biết chiếc máy bay nằm ở gần ngôi làng Grabovo, trước kia dưới sự kiểm soát của phe ly khai.

Tại khu vực này nhiều ngày trước, chiến sự đã diễn ra ác liệt giữa phe ly khai và quân chính phủ.

Ông Anton Gerashenko, một cố vấn của Bộ Nội vụ Ukraina, nói trên trang Facebook cá nhân của mình rằng MH17 khi gặp nạn đã bay ở độ cao 10.000m và bị trúng tên lửa Buk.

Hệ thống tên lửa Buk là dòng tên lửa đất đối không, tự hành, do Liên Xô (cũ) và nay là Nga phát triển.

Hệ thống này có thể tiêu diệt các tên lửa hành trình, bom chính xác, máy bay cánh quay, máy bay cánh cố định và không người lái.

CNN dẫn lời các chuyên gia hàng không nói rằng ở độ cao này các vũ khí khó có khả năng bắn hạ máy bay.

Tuy nhiên, về mặt thiết kế, hệ thống tên lửa Buk có thể khai hoả các tên lửa tới độ cao trên 22.000m.

Tổng thống Poroshenko nói rằng ông không loại trừ khả năng máy bay bị bắn hạ.

AP dẫn lời một lãnh đạo phe nổi dậy là Andrei Purgin nói rằng ông chắc chắn là quân đội Ukraina đã bắn hạ máy bay Malaysia nhưng không có chứng cứ nào thuyết phục.

Purgin nói rằng ông không chắc là tất cả các lực lượng nổi dậy có sở hữu hệ thống tên lửa Buk không, nhưng ông chắc chắn một điều là kể cả có Buk thì họ cũng không có ai đủ khả năng vận hành hệ thống này.

Tuy nhiên, AP cho biết cũng trong ngày 17/7, họ đã nhìn thấy một hệ thống tương tự như Buk ở gần thị trấn Snizhne, đông Ukraina, trong khi nơi này đang nằm trong tay phe nổi dậy.

Trước đó, quân đội Ukraina đã quy trách nhiệm cho Nga bắn hạ máy bay chiến đấu của họ.

Một ngày trước đó, quân nổi dậy tại đông Ukraina nhận trách nhiệm bắn hạ hai máy bay Sukhoi -25 của quân chính phủ.

Trong một diễn biến khác có liên quan, hàng không Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tuyên bố tạm thời không bay qua vùng không phận đông Ukraina để tránh rủi ro.

Các vụ máy bay dân sự từng bị bắn hạ:

- 20/4/1978: Chuyến bay số 902 của Hàng không Hàn Quốc đã chuyển hướng so với hành trình cũ khi bay từ Paris về Seoul và bị lạc ở Liên Xô. Sau khi bị một máy bay đánh chặn phóng tên lửa R-60 điều khiển bằng tia hồng ngoại, máy bay trúng tên lửa. Phi hành đoàn buộc phải hạ cánh trên bề mặt một hồ nước đầy băng. Hai trong số 97 hành khách bị thiệt mạng vì ngồi đúng nơi trúng tên lửa.

- 1/9/1983: Chuyến bay số 007 của Hàng không Hàn Quốc bị ít trúng ít nhất một tên lửa không đối không của máy bay đánh chặn Su-15 của Liên Xô sau khi chiếc Boeing 747 lạc vào không phận Liên Xô. Tất cả 240 hành khách cùng 29 phi hành đoàn thiệt mạng.

- 3/7/1988: Chuyến bay 655 của Hàng không Iran bị tên lửa đất đối không từ chiến hạm USS Vincennes của hải quân Mỹ bắn hạ. 274 hành khách và 16 phi hành đoàn thiệt mạng.

Lê Thu