- Cho rằng quyết định ấn định thuế của Chi cục Hải quan không đúng quy định vì có sự nhầm lẫn trong việc phân loại hàng hóa, doanh nghiệp làm đơn khởi kiện ra tòa. Điều đáng nói là cho đến “phút 89”, ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên cũng không đưa ra được quan điểm “chuẩn” trong giải quyết vụ việc.

Ngày 16/2, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án hành chính liên quan đến tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần máy quay phim Phước (trụ sở tại 26 Huỳnh Thúc Kháng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) và bị đơn là Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng (trụ sở 722 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM).

“Bộ phận” hay “phụ tùng”?

Theo đơn khởi kiện phía nguyên đơn trình bày: Năm 2010, Công ty cổ phần máy quay phim Phước (viết tắt là Công ty) có nhập khẩu các loại hàng hóa gồm chân camera, video các loại, 3 nhánh bánh xe để gắn vào chân camera, túi đựng chân camera.

Quá trình làm thủ tục tại cửa khẩu Tân Cảng, công ty đã làm hai tờ kê khai hải quan, tự áp mã số hàng hóa là 8525 và 8529 với mức thuế suất bằng 0% theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Làm thủ tục thuế tại cơ quan Hải quan (ảnh minh họa)


Cuối năm 2010, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng (viết tắt là Chi cục Hải quan) ban hành hai quyết định để áp thuế 15% theo mã hàng 7616 đối với hai lô hàng trên.

Không đồng ý, nên Công ty làm đơn khởi kiện Chi cục Hải quan ra tòa đề nghị hủy quyết định ấn định thuế trên đồng thời yêu cầu hoàn lại khoản tiền thuế mà công ty đã nộp.

Tại tòa, luật sư Nguyễn Minh Thuận bảo vệ quyền lợi cho phía nguyên đơn cho rằng: Theo quy định của Bộ Tài chính, các mã hàng 8525 (camera truyền hình, camera kỹ thuật số, camera ghi hình ảnh nền) và mã 8529 (phụ tùng kèm theo sản phẩm có mã hàng 8525) và mã hàng 9007 (bộ phận và phụ tùng dùng cho máy quay phim gồm thân máy, chân máy, các đầu chụp quay) thuế suất là 0%.

Theo đó, luật sư cho rằng các hàng hóa mà Công ty nhập về là bộ phận của máy camera (gồm chân máy, bao đựng chân máy, ba nhánh bánh xe để gắn chân máy) thuộc mã hàng 9007.

Việc công ty tự áp mã hàng 8525 là chưa chính xác nhưng theo quy định, hàng hóa mã 9007 cũng có thuế suất 0% nên công ty không phải chịu thuế. Từ đó, luật sư đề nghị hủy quyết định ấn định thuế của Chi cục Hải quan.

Đại diện Chi cục Hải quan cũng thừa nhận đối với hàng hóa thuộc các mã 8525, 8529, 9007 luật sư đã nêu đúng là có mức thuế suất 0%.

Tuy nhiên, đối với mã 9007, hàng hóa là máy quay phim và máy chiếu, kể cả bộ phận và phụ tùng, máy quay phim ở đây là loại máy quay phim nhựa (màn ảnh rộng) còn hàng của công ty thuộc máy kỹ thuật số.

Từ đó, bị đơn cho rằng hàng hóa công ty nhập về không phải là bộ phận của camera mà là phụ tùng. Đối với phụ tùng, việc phân loại phải căn cứ vào danh mục nhập khẩu hàng hóa Việt Nam, theo đó hàng hóa này phải phân loại theo chất liệu, cấu thành. Sản phẩm trên được cấu thành từ chất liệu nhôm, phải áp mã 7616 mới đúng.

Do hai bên không thống nhất việc áp mã hàng nên cơ quan Hải quan đã trưng cầu giám định tại Trung tâm phân tích phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu Tổng cục Hải quan – Chi nhánh TP.HCM.

Theo kết quả giám định, hàng hóa của nguyên đơn có mã số theo biểu thuế là 7616. Từ đó, bị đơn đề nghị Tòa bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã bác toàn bộ yêu cầu của phía nguyên đơn, tuyên Chi cục Hải quan Tân Cảng thắng kiện. Không đồng tình, nguyên đơn tiếp tục kháng cáo.

Khi cấp trên trả lời…nước đôi!

Tại tòa đại diện Chi cục Hải quan thừa nhận: Đây là mặt hàng khó phân loại. Cục Hải quan TP.HCM cũng đã báo cáo Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và thực tế hiện nay nhiều loại hàng hóa hiện rất khó phân biệt theo mã hàng.

Tuy nhiên, qua tham khảo chuyên gia nhiều nước trên thế giới thì trong trường hợp này phân loại theo chất liệu là hợp lý.

Tại tòa, Chi cục Hải quan cho biết xung quanh vụ việc này họ đã tổ chức cuộc họp, xin ý kiến giải quyết. Căn cứ theo biên bản cuộc họp, cho thấy có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau, có ý kiến cho rằng Hải quan đúng, ý kiến khác lại cho rằng Công ty đúng, có ý kiến cho rằng cần hỏi hướng dẫn cấp trên.

Khi chủ tọa hỏi: “Tổng cục Hải quan trả lời thế nào ?”. Đại diện Chi cục Hải quan cho biết, Tổng cục cũng chỉ đưa ra những căn cứ “chung chung” và “đề nghị” hỏi kết quả giám định.

Chi cục Hải quan tiếp tục đem vụ việc xin ý kiến của Vụ chính sách thuế (Bộ Tài Chính) nhưng cũng chưa được giải đáp rõ ràng. Phía bị đơn cho biết, cơ quan nay cho rằng do khoa học hiện đại nên hiện nay dễ lẫn lộn giữa các loại máy, thiết bị. Từ đó, nhắc nhở “nên tập hợp vướng mắc lại để có văn bản hướng dẫn thay thế cho phù hợp”.

Trước diễn biến trên, Viện kiểm sát phát biểu: “Khi Chi cục Hải quan xin ý kiến, tại các văn bản trả lời cho thấy nhiều quan điểm không thống nhất, các cơ quan cấp trên cũng không trả lời dứt khoát, rõ ràng.Về nguyên tắc, văn bản pháp luật phải rõ ràng để người dân biết, thực hiện và có giải pháp kinh doanh”.

“Đề nghị Chi cục Hải quan xem lại, vì nếu quyết định ấn định thuế đã đúng rồi thì không cần xin ý kiến nữa. Văn bản pháp luật 1 là 1, 2 là 2 chứ không thể nhập nhằng thế được. Qua vụ kiện, cơ quan ban hành văn bản cũng cần rút kinh nghiệm” – vị đại diện Viện kiểm sát thẳng thắn. 

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, Tòa xét thấy, việc Chi cục Hải quan ban hành hai văn bản trên là không đúng; đối chiếu các văn bản pháp luật khác, không thấy văn bản nào chứng minh quyết định trên là đúng…

Từ đó, Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, tuyên hủy hai quyết định ấn định thuế của Chi cục Hải quan Tân Cảng, buộc bị đơn hoàn trả lại 140 triệu đồng tiền thuế mà phía Công ty cổ phần máy quay phim Phước đã nộp.

M.Phượng