- Sáng nay (27/12), TAND Cấp Cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

7h45p, ông Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Thiên Thanh) và các bị cáo bị tạm giam có đơn kháng cáo được dẫn giải đến tòa.

{keywords}
Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải vào tòa  

Trong chiếc áo sơ mi xanh, dung mạo cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng không khác nhiều so với phiên sơ thẩm.

Sau khi các bị cáo được đưa vào phòng lưu phạm, cán bộ TAND Cấp Cao tiến hành các thủ tục để các luật sư, người liên quan vào dự tòa.

Hơn 8h35p, các bị cáo ra ngồi trước vành móng ngựa, phóng viên các cơ quan báo đài được vào phòng xử tác nghiệp ít phút trước khi phiên tòa bắt đầu. Riêng Phạm Công Danh được dẫn ra sau cùng.

8h50p, thư ký phiên tòa bắt đầu kiểm tra sự có mặt của các bị cáo và luật sư tại tòa.

Theo bản án sơ thẩm, đại án này có 36 bị cáo bị đưa ra xét xử; 38 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 124 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng, gần 50 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người liên quan.

Sau phiên tòa sơ thẩm, 25 bị cáo kháng cáo và hàng loạt người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét.

9h20p, Hội đồng xét xử (HĐXX) bước vào phòng xử án, chủ tọa yêu cầu thư ký báo cáo danh sách những người có mặt tại tòa.

{keywords}
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm 

Được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, Công ty Nhà Quốc Cường cử đại diện là bà Ngô Kim Lan có mặt tại tòa. Bà Lan cũng là người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Như Loan và ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô la) tại tòa.

Bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) cũng có mặt tại tòa.

Sau phần báo cáo của thư ký, chủ tọa cho biết vụ án có 25 bị cáo kháng cáo, 27 người liên quan kháng cáo. Trong số 27 người liên quan kháng cáo, bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ) và một người khác có đơn xin xét xử vắng mặt, 6 người còn lại vắng mặt không rõ lý do nhưng có ủy quyền cho 3 người khác tham gia phiên tòa.

Sau khi chủ tọa công bố danh sách người có mặt và hỏi các bên có ý kiến gì không? Bị cáo Phạm Công Danh xin trình bày ý kiến. Ông Danh đề nghị tòa triệu tập ông Trần Quí Thanh và một lãnh đạo công ty Phương Trang đến tòa.

Bào chữa cho bị cáo Danh tại tòa lần này có 5 luật sư. Sau khi ông Danh trình bày, luật sư của ông cho biết, ngày 28/11/2016, TAND Cấp Cao đã có giấy triệu tập Phạm Thị Trang (Trang phố núi).

Trước đó, Tòa Cấp Cao cũng đã có phiếu ủy thác tư pháp hình sự gửi cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để triệu tập bà Trang đến tòa. Luật sư đề nghị tòa kiểm tra lại việc này để có biện pháp triệu tập bà Trang vì việc này rất cần thiết.

{keywords}

Vẻ mặt bình thản của bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB

10h5p, cũng trong phần thủ tục, luật sư Lưu Văn Tám bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hứa Thị Phấn đề nghị tòa triệu tập ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương đến tòa (bị cáo Thắm đang bị tạm giam, chuẩn bị hầu tòa trong một vụ án khác - P.V)

Lý giải về việc này, luật sư cho rằng Hà Văn Thắm có vai trò quan trọng trong việc làm rõ mối quan hệ giữa Phạm Công Danh và bà Hứa Thị Phấn, một vấn đề cần làm rõ trong vụ án. Luật sư cũng đề nghị những cá nhân trong nhóm Phú Mỹ đến tòa.

Sau khi các bên trình bày ý kiến, HĐXX tạm dừng phiên tòa để Viện kiểm sát hội ý và đưa ra ý kiến.

10h50p: phiên tòa tiếp tục, Viện kiểm sát phát biểu quan điểm.

Về yêu cầu triệu tập ông Trần Quí Thanh (Dr Thanh), VKS cho rằng quá trình xét xử cấp sơ thẩm cũng như phúc thẩm đã triệu tập và ông Thanh có đơn xin xét xử vắng mặt.

Đối với yêu cầu triệu tập Phạm Thị Trang, bà Trang cũng có đơn xin xét xử vắng mặt và đã được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco chứng thực chữ ký của người này.


{keywords}

Bị cáo Phan Thành Mai (áo đen) tại phiên tòa

Đối với đề nghị triệu tập Hà Văn Thắm và những thành viên trong nhóm cổ đông Phú Mỹ, VKS đề nghị tòa xem xét, quá trình xét xử nếu cần thiết sẽ triệu tập.

11h: sau khi VKS trình bày, chủ tọa công bố thành phần HĐXX. Một luật sư bào chữa cho bị cáo Danh cho rằng trong HĐXX có thẩm phán Huỳnh Thanh Duyên từng là chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Võ Văn Minh phạm tội "cưỡng đoạt tài sản" liên quan đến chai nước có ruồi của Tân Hiệp Phát. Luật sư cho rằng, sau khi tòa tuyên vụ án trên, dư luận có quan điểm trái chiều.

Nếu giờ bà Duyên tiếp tục tham gia trong HĐXX xem xét tranh chấp dòng tiền vay mượn giữa Phạm Công Danh và nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Tân Hiệp Phát) nên e rằng không khách quan.

11h10p: HĐXX cho biết sau khi hội ý, HĐXX chấp nhận quan điểm của VKS, tuyên bố tiếp tục xét xử.

Đối với yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, HĐXX cho rằng theo quy định luật sư không có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, để khách quan, HĐXX đã xem xét đến vấn đề này nhưng xét thấy 2 vụ án không có mối liên hệ nào nên không có cơ sở chấp nhận đề nghị của luật sư.

11h15p: HĐXX tiến hành thẩm tra lý lịch các bị cáo. Khác với phiên sơ thẩm luôn khai rằng sức khỏe yếu, bị cáo Phạm Công Danh trả lời khá rành rọt từng câu thẩm tra lý lịch của tòa.

HĐXX đang tiếp tục thẩm tra lý lịch các bị cáo khác trong vụ án.

11h35p: HĐXX tuyên tạm nghỉ. Buổi chiều phiên tòa tiếp tục phần thẩm tra lý lịch các bị cáo.

Năm 2012, do kinh doanh thua lỗ nên Ngân hàng Ngân hàng Đại Tín (Trustbank) phải tái cơ cấu. Phạm Công Danh đã đứng ra điều hành, tái cơ cấu ngân hàng này. Sau đó Trustbank đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Trong 18 tháng điều hành, Phạm Công Danh cùng 35 đồng phạm đã có hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", gây thiệt hại tổng cộng hơn 9.000 tỷ đồng.

Hồi tháng 9/2016, sau gần 2 tháng xét xử, phiên tòa sơ thẩm khép lại với mức án 30 năm tù đối với Phạm Công Danh, 35 bị cáo còn lại lãnh án từ 3 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 22 năm tù.

Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 27/12/2016 đến 25/1/2017. Đây được coi là “đại án” kinh tế kỷ lục trong lịch sử tố tụng Việt Nam về số tiền thiệt hại.

Mai Phượng - Đinh Tuấn