- Việt Nam cần có 5 triệu doanh nghiệp, gấp 5 lần hiện nay mới có thể trở thành cường quốc kinh tế. Thời làm ăn chộp giật sẽ qua và đây là con số hướng tới minh bạch và chuẩn mực toàn cầu - TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định.

Trao đổi với PV. VietNamNet, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhấn mạnh: "Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần phải được nhìn nhận như những yếu nhân của đất nước. Họ không khác gì các bộ trưởng, bởi họ sẽ là người tạo ra việc làm đàng hoàng để từ đó, tạo nên một xã hội khá giả, giàu mạnh".

Con số của nền kinh tế minh bạch

- Thưa ông, trong phát biểu gần đây, ông có nói Việt Nam cần có 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai như một mục tiêu về phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Có vẻ như, mục tiêu này chỉ thiên về số lượng, xin ông giải thích thêm?

Ông Vũ Tiến Lộc: Những nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện nay, cứ 15-20 người dân là có một doanh nghiệp. Xung quanh ta, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông,... đều có tỷ lệ doanh nghiệp trên số dân cao như vậy. Nhưng ở Việt Nam, 200 người dân mới có một doanh nghiệp.

Ngay quốc gia bên cạnh, Campuchia cũng có số lượng doanh nghiệp tương đương ta, tức gần 500 nghìn doanh nghiệp, nhưng số dân của họ chỉ có 15 triệu người, còn của ta là 91 triệu người. Điều đó có thể lý giải vì sao những năm gần đây, Campuchia luôn tăng trưởng cao 8-9%, năm vừa qua có thấp hơn.

{keywords}
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Suy cho cùng, đằng sau bức tranh kinh tế, chính là có mối tương quan đến số lượng doanh nghiệp. Tôi đi nhiều địa phương thì thấy rõ điều này.

Nếu Việt Nam muốn trở thành cường quốc kinh tế thì dứt khoát, đội ngũ doanh nghiêp phải đạt đến con số đó. Chúng ta cần có 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa, chứ không nhất thiết phải là năm 2020.

- Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, liệu đặt mục tiêu 5 triệu doanh nghiệp có khả thi hay không, thưa ông?

Tôi nói con số 5 triệu doanh nghiệp là có lý do cả.

Hiện nay, ta không chỉ có 500 ngàn doanh nghiệp, mà còn có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó, 1,6 triệu hộ có đăng ký chính thức. Vấn đề là làm sao, Nhà nước phải tạo cơ chế khuyến khích để họ đăng ký trở thành doanh nghiệp, tức là, ta sẽ đạt được 5 triệu doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn nhiều triệu hộ kinh doanh đang hoạt động như vậy, có hộ có vài trăm lao động, quy mô lớn hơn cả doanh nghiệp thì tính phi chính thức trong nền kinh tế Việt Nam rất lớn.

Nếu họ trở thành doanh nghiệp, tính minh bạch tăng lên, tạo được niềm tin thì họ sẽ liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Thêm vào đó, minh bạch cũng là yếu tố để đạt chuẩn quản trị trong kinh tế toàn cầu. Với các FTAs đã và sẽ ký kết, các doanh nghiệp toàn cầu sẽ không muốn chơi với một doanh nghiệp không đăng ký như vậy.

5 triệu doanh nghiệp không chỉ là số lượng mà còn là hướng tới chất lượng, chuẩn mực toàn cầu.

Tự cứu mình trong quan hệ với Nhà nước

- Trong nhiều lần đối thoại giữa cơ quan thuế, hải quan, các doanh nghiệp thường than phiền về thủ tục hành chính. Họ làm sao có thể lớn mạnh được trong một môi trường thể chế như vậy?

Có người đã từng nói với tôi, doanh nhân Việt Nam tính toán bài toán trong thương trường nhiều khi đơn giản hơn là bài toán xứ lý các quan hệ và đối phó với thủ tục hành chính.

Nhưng ở ta, môi trường kinh doanh có nhiều thứ bất định, không dự đoán được, vô cùng rắc rối. Đáng lẽ, họ chỉ cần đấu trí, đấu sức với thị trường, chứ không cần phải nghĩ đấu trí với mạng lưới mớ bòng bong hành chính.

{keywords}

Hiện Việt Nam có 500 ngàn doanh nghiệp, gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó, 1,6 triệu hộ có đăng ký chính thức.

Chính thể chế còn tồn tại như vậy nên trí tuệ của doanh nhân buộc phải chạy theo xu hướng chụp giật, tranh thủ quan hệ, xin - cho.

Tuy nhiên, Nhà nước bao giờ cũng chậm đổi mới hơn doanh nghiệp. Tâm thế của doanh nghiệp giờ là phải tự cứu lấy mình trong quan hệ với Nhà nước, phải tự cứu mình trước khi trời cứu. Doanh nghiệp đừng trông chờ Nhà nước, mặc dù chúng ta vẫn muốn Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ, đồng hành.

Điểm thứ hai là trong quan hệ với thị trường, doanh nghiệp phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng trên cơ sở sáng tạo, minh bạch. Giờ phải xác định rằng, thời kỳ thời kỳ làm ăn chụp giật, dựa vào quan hệ rồi sẽ qua.

Nhà nước đột phát về thể chế thì doanh nghiệp phải đột phá về quản trị. Đó là vấn đề gốc rễ. Muốn tồn tại được, họ buộc phải chịu khó học hơn, kinh doanh một cách cẩn trọng và chừng mực, định lượng được rủi ro và tôn trọng quy luật thị trường, không theo kiểu phong trào và không tự tin thái quá.

- Tuy nhiên, ngoài việc doanh nghiệp vẫn phải "tự bơi" là chính thì theo ông, Nhà nước cần phải đột phá thể chế cách nào để có thể phát triển được cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh?

Tư duy về vị trí, vai trò của Nhà nước với doanh nghiệp giờ phải hoàn toàn khác. Nhà nước nếu còn nghĩ mình vẫn là dẫn đầu, là chỉ đường cho doanh nghiệp thì không được. Vai trò trọng tâm, dẫn đường ở đây phải là doanh nghiệp, Nhà nước chỉ là hậu phương, đi theo, đồng hành, hỗ trợ họ.

Tôi nói đơn giản như việc xúc tiến thương mại chẳng hạn, hay các quỹ hô trợ sáng tạo công nghệ, hãy làm theo cách của doanh nghiệp chứ không phải theo kiểu của các công chức, vẽ ra chương trình, tiêu tiền Nhà nước rồi gọi họ tham gia.

Ở ta, những doanh nghiệp như TH Truel Milk, Vinamilk, Masan, Hoàng Anh Gia Lai,... có cần Nhà nước hay ai đó chỉ cho cách họ làm doanh nghiệp đâu?

Người Việt Nam so với bạn bè các nước không hề thua kém, đi học luôn thuộc Top thông minh nhất, lọt vào Top những người giàu nhất hay sáng tạo nhất ở Mỹ, ở châu Á,... nhưng thể chế đang kìm hãm họ.

Phạm Huyền (thực hiện )