Hãy nghe những người đã và đang điều hành ngân hàng nhiều năm thử “phác họa” chân dung đội ngũ lãnh đạo ngân hàng trong thời gian tới.

Sắp đến bankers thế hệ thứ ba

Trả lời câu hỏi: Thời gian qua nhiều người gắn bó lâu năm trong nghề rời bỏ ngành ngân hàng cả vì lý do khách quan và chủ quan, còn ai sẽ làm ngân hàng?, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), người đã tham gia quản trị điều hành VIB gần 10 năm và gắn bó với nghề ngân hàng 25 năm, khẳng định: “Còn nhiều chứ! Mỗi ngân hàng tốt đều có kế hoạch xây dựng đội ngũ quản lý kế cận cho mình. Khi tôi hết nhiệm kỳ, hay thậm chí ngay từ bây giờ, tôi có ít nhất 2-3 cán bộ lãnh đạo trong nội bộ, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài, để đề xuất làm ứng viên vào vị trí kế cận. Họ đều có kinh nghiệm xấp xỉ trên 20 năm làm ngân hàng, tức có thể gọi là bankers (những nhà ngân hàng) thực thụ”.

Định nghĩa về bankers, ông Vũ bảo: “Đó là những người đã làm việc trong những tổ chức tín dụng chuyên nghiệp ở các vị trí liên quan hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng như phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm, phát triển kênh phân phối, thẩm định và phê duyệt tín dụng, quản lý nguồn vốn... trong thời gian dài 10-20 năm. Điều rất quan trọng là họ phải có đủ độ tín nhiệm trong nghề và phải có hiểu biết xã hội tốt”.

{keywords} 

Theo ông Vũ, nếu chân dung thế hệ thứ nhất làm ngân hàng là “vừa làm vừa học”, thì thế hệ các nhà lãnh đạo ngân hàng thứ hai, giờ đây khoảng 40-50 tuổi, được đào tạo tốt hơn, được trải nghiệm trong môi trường ngân hàng của nền kinh tế thị trường khi mới ở độ tuổi trên dưới 30. Thế hệ thứ hai là sự kết nối giữa thế hệ những người vừa sở hữu vừa điều hành ngân hàng, trong đó có một nhóm nhỏ thuần túy là điều hành chuyên nghiệp.

Có một điều các nhà làm ngân hàng đồng tình rằng, chỉ khi có những ngân hàng với giá trị cốt lõi lâu dài và tử tế thì mới có những người “làm thuê” tử tế.

Tới đây, thế hệ thứ ba làm lãnh đạo các ngân hàng sẽ là những người được đào tạo bài bản ngay từ trong trường đại học, được tiếp xúc với kinh tế thị trường và văn minh của xã hội công nghệ cao từ khi còn trong trường phổ thông. Nếu thế hệ thứ hai đã có sự chuyên nghiệp về kỹ năng nghề nghiệp, thì ở thế hệ thứ ba sự chuyên nghiệp sẽ phải trở thành văn hóa, nghĩa là người quản lý điều hành không chỉ có kỹ năng ra quyết định kinh doanh chính xác hơn, nhanh hơn, mà quan trọng hơn là họ sẽ hành xử với độ tuân thủ và minh bạch ở mức độ cao hơn. Chính yếu tố “văn hóa” này sẽ làm hệ thống tài chính ngân hàng trở nên an toàn và bền vững hơn.

Theo bà Đàm Bích Thủy, người đã có hơn 20 năm làm ngân hàng: “Thế hệ làm ngân hàng tới đây tôi hình dung sẽ là thế hệ trẻ, được đào tạo bài bản từ nước ngoài và đã quen với ngành theo nhiều góc độ khác nhau. Tất nhiên với người trong ngành mong muốn phải là thế hệ làm đúng và làm bền vững. Đó mới là mong muốn, còn thực tế thì phải đợi thêm”.

Tái cấu trúc ngân hàng và biến động nhân sự

Một vị tổng giám đốc ngân hàng khác đã có hơn 23 năm trong khối ngân hàng cổ phần thì cho rằng: “Lớp sau đương nhiên trẻ hơn, hưởng sự giáo dục tốt hơn, đi nhanh hơn trong nghề. Trước đây một người từ khi làm nhân viên đến giám đốc chi nhánh ít nhất qua 10 năm, nay thì chỉ với 5-6 năm một người trẻ có thể bước vào vị trí lãnh đạo”.

Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn bởi ngân hàng là một nghề có diện tương tác rất rộng trong xã hội nên đòi hỏi một sự trải nghiệm thực tế sâu sắc và sự nắm bắt các quy định, các thông lệ không chỉ trong ngành ngân hàng. Ông mượn Truyện Kiều để ví von “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, một người đi quá nhanh trong nghề, quả chín quá vội chưa chắc đã hay. Ông thừa nhận thời gian qua có nhiều ngân hàng đi tìm tổng giám đốc rất khó khăn. Có ngân hàng lớn, vài tháng qua vị trí CEO vẫn để trống.

Vị này cho biết: “Dù giai đoạn này nhiều người rút khỏi ngành ngân hàng, nhiều ngân hàng giảm nhân viên nhưng chúng tôi vẫn thấy thiếu người biết việc. Bởi vì sự phát triển của nghề ngân hàng nếu trước đây theo bề rộng thì nay bắt đầu đi vào chiều sâu. Các ngân hàng trong ngành đang cạnh tranh mạnh hơn về chất lượng. Các sản phẩm thay đổi nhanh hơn và cạnh tranh mạnh hơn nên những đội ngũ làm các sản phẩm ấy vẫn thiếu. Người làm sản phẩm được yêu cầu cao hơn. Nhiều khi thay người, làm đi làm lại mà chưa ra được sản phẩm ưng ý”.

Tái cấu trúc là quá trình cọ xát rất mạnh. Khi thị trường co lại từ khoảng 40 ngân hàng còn 20 thì nhiều người sẽ bị bật ra. Các khoản tín dụng trở nên nhạy cảm hơn, ngân hàng phải đối phó với nhiều thay đổi, kiếm tiền khó khăn hơn nên phát sinh những vấn đề mới. Có những cách làm trước kia ngân hàng làm vẫn nghĩ là an toàn nay không còn an toàn. Vì thế, sự di chuyển nhân lực giữa ngành ngân hàng, và giữa ngân hàng với ngành khác đã rất mạnh mẽ trong hai năm qua.

Ông chủ và “người làm thuê tử tế”

“Ngân hàng là tổ chức tín dụng, mất sự tín nhiệm thì không còn nền tảng cho hoạt động”, ông Vũ nói. Cổ đông và nhà đầu tư cũng sẽ có sự thay đổi trong cách nhìn nhận đánh giá đội ngũ quản trị điều hành, từ việc lựa chọn giữa những người điều hành “dễ sai khiến” đến những người có kỹ năng và văn hóa chuyên nghiệp dựa trên lợi ích đầu tư của chính bản thân mình. “Tôi cho rằng họ sẽ thấy việc lựa chọn đội ngũ chuyên nghiệp sẽ mang lại lợi ích kinh tế tổng hòa lớn hơn và bền vững hơn vì đây là sự lựa chọn không chỉ của họ mà cả của khách hàng và cơ quan quản lý”, vị CEO này chia sẻ.

Bà Đàm Bích Thủy chia sẻ góc nhìn trong dài hạn. Bà cho rằng, những thay đổi tốt với ngành ngân hàng có được hay không còn phụ thuộc những người ảnh hưởng nhiều nhất đến ngân hàng là ai. Ở Việt Nam người chủ liên quan đến người làm thuê rất chặt. Nếu các ông chủ không thay đổi thì người làm thuê vẫn na ná như cũ, theo “mô típ”: có chức danh, được trả lương kha khá, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, hơi “có biến” thì nhảy qua chỗ khác hoặc chỗ nào trả cao hơn thì nhảy việc.

Nếu cơ quan quản lý thắt chặt hành lang pháp lý, tạo ra thế hệ làm chủ tương lai có đặc trưng giống với những người chủ ngân hàng trong khu vực là điều đáng mừng.

Quan trọng nhất là những người chủ ngân hàng phải thay đổi, nhận ra rằng nghề ngân hàng là ngành kinh doanh tương đối ổn định và lợi nhuận vừa phải chứ không phải là cỗ máy đem lại siêu lợi nhuận như một số hiểu lầm thời gian qua. Họ phải hiểu nghề thì mới xây dựng ngân hàng bền vững lâu dài.

“Có những người từng làm lãnh đạo ngân hàng với quan điểm đánh một quả rồi rút... Và thực tế hiện có không ít người đang điều hành ngân hàng muốn rút lui khỏi nghề vì bấp bênh quá”, bà Đàm Bích Thủy chia sẻ. Bà cho rằng đây là thời điểm cần cơ quan quản lý không để các ông chủ lặp lại việc sử dụng vốn của ngân hàng cho mục đích của mình, tạo ra quan điểm làm ngân hàng bền vững sau khi sắp xếp lại thị trường.

(Theo TBKTSG)