Tai nạn máy bay do bị xe đâm trên mặt đất nghe như những chuyện hy hữu hết sức, nhưng đã từng xảy ra không ít lần tại các sân bay lớn nhất nhì của Việt Nam.

Xe đầu kéo đâm rách cánh máy bay ở Sân bay Đà Nẵng

Vào sáng sớm ngày 7/8, một tai nạn máy bay hy hữu xảy ra khi nhân viên lái xe đầu kéo với 2 rơ moóc hành lý phía sau của công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn SAGS-DAD đã đâm vào cánh trái máy của một chiếc máy bay mang số hiệu CL350.

Đây là một chiếc máy bay cá nhân cỡ nhỏ bay thuê chuyến từ Hồng Kông, đáp xuống sân bay Đà Nẵng từ tối 6/8, đậu tại sân bay để chờ đón khách lượt về.

Cú đâm mạnh khiến máy bay bị xô lệch khoảng 20 cm mặc dù bánh xe máy bay đã lắp 2 gờ chống trượt trước - sau, cánh trái rách một đoạn khoảng 30 x 10 cm.

{keywords}

Máy bay bị xe đầu kéo đâm rách cánh ở sân bay Đà Nẵng

Nhận được tin báo, Cảng vụ hàng không miền Trung đã lập tức đến ngay hiện trường lập biên bản vụ việc. Nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do nhân viên của công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn SAGS đã sơ suất trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

Máy bay này nằm lại sân bay Đà Nẵng chờ chuyên gia từ Hồng Kông qua sửa chữa đến 3 ngày sau vẫn chưa hoàn tất.

Về đền bù thiệt hại cho máy bay hư hỏng, phía SAGS-DAD cho biết công ty có mua bảo hiểm và đang chờ thông tin phía chủ máy bay để bảo hiểm giải quyết.

Còn Cảng vụ hàng không miền Trung và Công ty SAGS-DAD đã thành lập hội đồng xem xét hình thức kỷ luật nhân viên lái xe nói trên.

Xe băng chuyền đâm máy bay ở Tân Sơn Nhất

Mới đây nhất, vào lúc 10h40 sáng 27/8, thêm một tai nạn máy bay hy hữu xảy ra khi một xe chở băng chuyền thuộc Xí nghiệp thương mại mặt đất Tân Sơn Nhất – TIAGS đã đâm va vào cửa hầm hàng của một chiếc máy bay Airbus 330 - 300 thuộc hãng hàng không China Airlines (Đài Loan).

Sự cố xảy ra khi trên máy bay có 300 hành khách và trước giờ cất cánh đi Đài Bắc khoảng 20 phút. Vụ đâm va khá mạnh đã tạo ra vết lõm sâu khoảng hơn 20cm và kéo dài hơn 1m trên thân máy bay China Airlines, một số chiếc đinh tán cố định trên thân máy bay cũng bị văng ra ngoài.

Được biết, người nhân viên điều khiển chiếc xe băng chuyền này đã thao tác sai quy trình, cụ thể là do anh ta đã đạp nhầm chân phanh với chân ga, khiến chiếc xe đã "chồm ga" và đâm vào bụng của máy bay.

Trước tình hình này, China Airlines đã phải đưa một máy bay khác sang Việt Nam cùng với một tổ chuyên gia kỹ thuật. 300 hành khách của chuyến bay CI782 cũng được đưa tới khách sạn nghỉ ngơi để chờ China Airlines đưa máy bay khác sang đón. Tới 1h45 sáng 28/8, China Airlines đã đưa 300 hành khách khởi hành đi Đài Bắc, muộn gần 15 tiếng so với kế hoạch ban đầu.

{keywords}

Ảnh minh họa

Ngay sau khi xảy ra sự cố máy bay bị xe băng chuyền đâm, các cơ quan chức năng đã có mặt, lập biên bản, điều tra vụ việc, trong đó có việc kiểm tra đầy đủ các vấn đề liên quan đối với tài xế này. Kết quả đọc trên máy thử nồng độ cồn cho thấy lái xe chở hành lý không sử dụng bia rượu, tài xế có đầy đủ bằng lái và các giấy tờ hợp lệ.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, vụ việc này lỗi chủ quan do lái xe, trong một phút bất cẩn đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Được biết, quy trình đối với các xe hoạt động trong sân bay như xe tiếp nhiên liệu, xe băng chuyền… rất nghiêm ngặt, được quy định cụ thể về tốc độ, hướng, cách thức tiếp cận theo các quy định chung của quốc tế.

Các nhân viên lái xe đều được huấn luyện, phải thi kiểm tra đạt được giấy phép năng định mới được phép lái xe trong sân bay. Ngoài ra, cũng như các nhân viên hàng không khác, lái xe trong sân bay cũng phải kiểm tra định kỳ.

Ông Thanh cũng cho biết sẽ có hình thức xử phạt đối với lái xe trên, tuy nhiên việc xử lý như thế nào sẽ do công ty phục vụ mặt đất thực hiện.

Về việc bồi thường cho hãng China Airlines cũng sẽ do công ty này xử lý, với mức thiệt hại ban đầu được China Airlines đánh giá thể lên tới 1 triệu USD. Phía China Airlines đánh giá đây là sự cố máy bay hy hữu và đặc biệt nghiêm trọng.

Xe bồn đâm hỏng động cơ máy bay ở Tân Sơn Nhất

Một vụ việc khác tương tự cũng đã từng xảy ra ngay tại trên sân bay Tân Sơn Nhất này, đó là một chiếc máy bay Boeing 777 của Vietnam Airlines chuẩn bị khởi hành đi Frankfurt đã bị xe chở dầu của Tổng công ty Xăng dầu hàng không Vinapco đâm thẳng vào cánh trái.

Cú va chạm này khiến động cơ bên trái phía sau của máy bay bị hỏng nặng, dầu tràn lênh láng ra đường băng, gây nguy cơ lớn với an toàn hàng không.

{keywords}

Hình ảnh xe bồn tiếp xăng cho máy bay Boeing 777 của Vietnam Airlines tại sân bay


Vụ tai nạn hy hữu này xảy ra vào đêm khoảng 22h30 ngày 9/5/2010, khiến cho toàn bộ hành khách trên chuyến bay được Vietnam Airlines thu xếp để bay bù chuyến kế tiếp.

Báo cáo từ phía Vinapco cho hay vào thời điểm xảy ra sự cố, hai nhân viên của Vinapco gồm một lái xe, một hướng dẫn đang tiếp nhiên liệu cho máy bay của VNA. Khi đó, xe bồn đã về số “mo”, bánh xe được chèn và hệ thống giàn đang nâng lên để tiếp nhiên liệu vào cánh trái của máy bay thì tai nạn xảy ra.

Theo một lãnh đạo Cụm cảng hàng không miền Nam, thông thường việc tiếp nhiên liệu cho máy bay phải tuân thủ theo đúng quy trình chỉ dẫn cộng với sự phối hợp chặt chẽ giữa công ty xăng dầu và nhà chức trách hàng không. Trong vụ việc trên, quy trình chỉ dẫn tại sân bay là chính xác và không có lỗi. Vì vậy, hướng điều tra làm rõ nguyên nhân là do lỗi kỹ thuật của xe bồn hay lỗi cẩu thả của nhân viên Vinapco.

Sau đó, đại diện Công ty Xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) cho biết cũng đã đình chỉ công tác hai nhân viên đã gây ra tai nạn máy bay bị xe bồn đâm trên.

Xe đầu kéo đâm 'thủng' bụng máy bay ở Sân bay Nội Bài

Vào tháng 1/2009, tại sân bay quốc tế Nội Bài cũng xảy ra một sự việc tương tự đối với máy bay của Hãng Jetstar Pacific.

Đó là một chiếc Boeing 737 - 400 đang chuẩn bị thực hiện chuyến bay Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh, mang số hiệu BL 811.

Được biết, sau khi đã chuyển xong hành lý lên máy bay, trong quá trình chuẩn bị kéo băng chuyền ra khỏi khu vực máy bay thì xe đầu kéo của cùng hãng Jetstar Pacific Airlines đã va quệt vào thân máy bay.

Vụ va chạm đã làm phần bụng dưới máy bay, cạnh cửa chuyển hàng bị rách khoảng 45cm, rộng 10cm.

Chuyến bay mang số hiệu BL 811 buộc phải hủy bỏ và 137 hành khách trên chuyến bay này đã phải quay lại nhà ga để chờ chuyến bay thay thế.

Còn nhân viên lái đầu kéo sau ngay sau đó đã bị đình chỉ công tác và đã bị thu hồi thẻ.

(Theo VTC News)